Ngày 11/7, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, đối với những trường hợp cụ thể như các nữ cựu TNXP, không chỉ Đảng, Nhà nước mà các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp… cùng quan tâm đến họ để không bỏ sót những trường hợp nữ TNXP có hoàn cảnh khó khăn mà không được giúp đỡ.
Ông Vũ Trọng Kim (giữa) trao đổi với các cựu TNXP.
PV: Ông có thể cho biết trong thời gian qua Hội cựu TNXP Việt Nam đã triển khai được những việc gì để giúp đỡ các cựu TNXP?
Ông Vũ Trọng Kim: Năm 2017 được xác định là năm “Vì nghĩa tình đồng đội” cho nên chúng tôi hướng tới việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng. Tất nhiên, đây là một bộ phận trong chính sách về thương binh, liệt sĩ cũng như chính sách cho người có công của đất nước ta. Đối với bộ phận này, chúng tôi đã làm việc với Bộ Lao động Thương binh – Xã hội và Bộ đã ra một văn bản có ý nghĩa cho việc xác minh một cách cụ thể những trường hợp cụ thể hiện nay mất hồ sơ gốc, không còn cơ sở là Cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Những danh sách này sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để không những địa phương đó mà các cơ quan khác cũng có thể giám sát xem đối tượng đó có đúng là TNXP không? Có đúng là người được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước không?
Đây là cách tiếp cận mới, rất dân chủ, công bằng, công khai càng rộng rãi càng tốt để không bỏ sót những đối tượng đáng được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước mà lại không được hưởng. Đối với những trường hợp không đảm bảo thực hiện chính sách qua vấn đề này cũng được gạn lọc, tránh trường hợp không chính xác, bị vấp váp như thời gian qua.
Vậy, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong việc rà soát chính sách, giải quyết chính sách cho Cựu TNXP đã được thực hiện thời gian qua như thế nào?
- Theo số liệu rà soát, thống kê mà vừa rồi chúng tôi phối hợp với Bộ Lao động Thương binh – Xã hội, Trung ương Đoàn TNCSHCM, việc giải quyết chế độ chính sách cho TNXP đối với liệt sĩ đã làm được hơn 5.600 người nhưng số lượng còn tồn đọng lên đến 418 người mà 418 người này lại không còn hồ sơ gốc. Số thương binh cũng đã giải quyết được 36.820/43.594 người, đạt khoảng hơn 84%. Như vậy còn hơn 6.700 người nữa chưa có hồ sơ gốc để chứng minh mình là TNXP.
Việc thực hiện chế độ chính sách đối với những người được xác định là liệt sĩ, là thương binh, là những TNXP tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ hưởng chế độ chính sách của Nhà nước rất đúng mức. Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản về chế độ, chính sách rất đầy đủ nhưng nếu bây giờ áp chế độ chính sách đó vào một số đối tượng thì không được vì hồ sơ gốc không còn cho nên phải thực hiện theo quy trình mới, cách tiếp cận mới mà Bộ Lao động Thương binh – Xã hội vừa ban hành. Chúng tôi đi theo hướng đó để giải quyết và cố gắng sớm nhất có thể để các đối tượng được hưởng chính sách.
Vậy trong quá trình triển khai, thực hiện việc rà soát chế độ, chính sách cho cựu TNXP, Hội đã gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào thưa ông?
- Vướng mắc lớn nhất có lẽ là hồ sơ gốc. Cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ khi trình bày với các cơ quan thực hiện chính sách thì trình bày bằng lời nói chứ không kèm văn bản hay một điều kiện gì để xác nhận mình là TNXP. Thậm chí, có người quên cả đơn vị, quên cả nơi mà mình đã làm việc, đã cống hiến vì nhiều người trong số đó đã già, trí nhớ không còn minh mẫn.
Thêm vào đó, một số người chưa hiểu đầy đủ về chính sách TNXP và nghe ngóng việc thực hiện ở nơi này nơi khác nên đã đưa ra những lời nói chưa chính xác về số lượng TNXP được hưởng chính sách và chưa được hưởng chính sách khiến cho Cựu TNXP cảm thấy đau lòng vì bị xã hội cho là lừa lọc, dối trá. Tôi cho rằng chúng ta không nên động chạm đến tình cảm thiêng liêng của TNXP và chỉ những trường hợp nào đã được xác minh cụ thể thì mới được công khai danh sách.
Thông qua việc giải quyết chế độ chính sách cho Cựu TNXP, Hội TNXP Việt Nam có ý kiến gì để giải quyết tốt việc này, thưa ông?
- Mong muốn có rất nhiều nhưng có lẽ các cơ quan quản lý Nhà nước nên phân công những người hiểu tường tận về hoàn cảnh của những thương binh, liệt sĩ và những cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ để tránh tình trạng một bên trình bày còn bên làm chính sách, chế độ lại không thấu hiểu. Việc hai bên thấu hiểu nhau rất quan trọng vì nhờ có thấu hiểu mà những vấn đề cụ thể hơn sẽ được giải quyết.
Hơn ai hết, khi Nhà nước giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chính sách thì cơ quan đó phải đi sâu, đi sát và tận tình giúp đỡ để những người đáng được hưởng chính sách có điều kiện trình bày một cách đầy đủ, tránh tình trạng đi tới đi lui nhiều lần, phải cung cấp quá nhiều văn bản, giấy tờ rồi chuyển cơ quan này cơ quan khác mà không đi theo một mạch là tìm hiểu đến cùng sự việc. Để giải quyết vấn đề này rất cần những cá nhân thật sự thấu hiểu, đem tấm lòng của mình để giúp cho Đảng, Nhà nước thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa một cách trọn vẹn.
Trân trọng cảm ơn ông!