Không can thiệp quá sâu vào điều lệ hội

T.Dương 25/09/2015 08:05

Ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật về hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Luật có nhiều quy định quản lý nhà nước về hội là quá sâu và không khả thi.  

Băn khoăn về tư cách pháp nhân

Nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về tư cách pháp nhân của hội, khi Dự thảo Luật đề nghị không áp dụng đối với hội không có tư cách pháp nhân, nhưng thực tế hiện nay thì hội không có tư cách pháp nhân đang có rất nhiều và chiếm tỷ lệ lớn. Theo như Dự thảo Luật thì đối với hội không có tư cách pháp nhân như: hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ, Chính phủ đề nghị không áp dụng Luật này vì các hội này không có trụ sở, không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần phân biệt quyền hội họp và quyền lập hội của công dân được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp. Bởi lẽ những việc như gặp gỡ, trao đổi thông tin của những người đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ mà không có tổ chức chặt chẽ thì đó chỉ là việc công dân giao lưu, hội họp, không phải là tổ chức hội mà Luật này điều chỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều tổ chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về hội, tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc của hội, có người đứng đầu đại diện cho hội nhưng không đăng ký. Do đó không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành về hội.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ, bởi vì các tổ chức này vẫn được thành lập và hoạt động trên cơ sở nguyện vọng của người dân. Số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng theo quy định của Dự thảo Luật không phải là hội thì việc quản lý nhà nước cũng như việc xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để bảo đảm quyền của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân, không đăng ký, không được thành lập theo quy định của Dự thảo Luật này.

Bên cạnh đó, theo ông Lý, cũng có ý kiến đề nghị Luật này điều chỉnh hội nói chung mà không nên phân biệt hội có hay không có tư cách pháp nhân. Vì việc xác định pháp nhân phải theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu đủ các điều kiện của một pháp nhân thì được coi là pháp nhân, chứ không chỉ căn cứ vào việc hội đó có hay không có đăng ký hoạt động.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải bày tỏ quan điểm, không nên quy định tư cách pháp nhân vì nó là vấn đề dân sự, tuy nhiên cũng phải có quản lý để xử lý khi có tiêu cực.

Ông Khải dẫn chứng: “Ví dụ tôi sang Nhật Bản học, thấy họ bắt cam kết, nếu sang học thì chỉ học chứ không được tham gia vào hoạt động chính trị ở nước đó, ví dụ tham gia vào hoạt động biểu tình. Đó chính là quản lý nhà nước của họ”. Theo ông Khải, hội của ta hành chính hóa nhiều, cần nghiên cứu để làm sao phát huy được dân chủ nhưng có quản lý, giảm đi xu thế hành chính hóa trong hoạt động của các hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: “Đã là quản lý nhà nước thì bất kỳ cái gì hoạt động cũng phải quản lý chứ không phải không quản lý. Không phải không có tư cách pháp nhân là không quản lý, phải quản lý nhưng có điều là biện pháp khác nhau”. Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nói: “Hội không có tư cách pháp nhân thì Luật cũng phải điều chỉnh, vì hội hiện nay rất đa dạng, quyền lập hội phải được điều chỉnh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lại cho rằng, không nên đặt ra vấn đề tư cách pháp nhân để thành lập hội. Ông nói: “Chúng ta đặt ra tư cách pháp nhân đối với hội để làm gì? Để dễ quản lý à? Tại sao lại đặt ra đối với hội để làm gì? Ví dụ như mô hình hợp tác xã hay tổ hợp tác xã không có tư cách pháp nhân mà chúng ta vẫn quản lý được. Vậy thành lập hội đặt ra tư cách pháp nhân với mục đích gì? Nếu đặt ra là làm khó cho hội vì họ tự chịu hành vi về hoạt động của mình”.

Người nước ngoài có được thành lập hội ở Việt Nam?

Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội. Theo Tờ trình của Chính phủ, vấn đề này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, không quy định trong Luật việc tham gia hội của người nước ngoài. Chính phủ tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 36 của dự thảo Luật.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định tại Điều 2 của Dự thảo Luật thì: “hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam”. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài không chịu sự điều chỉnh của Luật về hội, và như vậy thì Điều 36 của Dự thảo Luật quy định việc áp dụng Luật đối với người nước ngoài là không thống nhất với Điều 2.

“Một vấn đề cần được làm rõ trong Luật này là trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay, có cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hội của Việt Nam không? hay chỉ cho phép họ tham gia các hội của nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam?”-ông Lý đặt vấn đề.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, một Nhà nước pháp quyền thì không thể cấm người nước ngoài tham gia nhưng chỉ có điều có cho phép họ thành lập tổ chức tại Việt Nam hay không. “Nếu người nước ngoài tham gia vào hội văn học - nghệ thuật của Việt Nam thì tốt quá, nhưng có cho họ thành lập hội nước ngoài ở Việt Nam hay không thì phải tính”-ông Quyền cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không can thiệp quá sâu vào điều lệ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO