Không cấp phép cho các KCN thiếu hệ thống xử lý nước thải

Thủy Anh 06/01/2016 08:10

Ngày 5/1, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo toàn ngành phải quyết liệt hơn nữa để bảo vệ tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Trong thời gian tới, dứt khoát không cấp phép hoạt động đối với các nhà máy, cụm, khu công nghiệp chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.  

Không cấp phép cho các KCN thiếu hệ thống xử lý nước thải

Báo cáo tổng kết về công tác năm 2015 ngành tài nguyên môi trường cho biết: Trong năm 2015, toàn ngành đã tiến hành 2.623 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 8.860 tổ chức, cá nhân. Xử lý vi phạm đối với 1.456 tổ chức; thu và truy thu nộp ngân sách 1.649,6 tỷ đồng, kiến nghị thu 8.534 ha đất; đôn đốc, kiểm tra thực hiện 849 kết luận thanh tra, kiểm tra.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những hạn chế, yếu kém và đã kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT. Toàn ngành đã tổ chức tiếp 5.928 lượt công dân với 8.303 người, trong đó có 224 lượt đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý hơn 13 nghìn lượt đơn thư. Thẩm tra, xác minh, giải quyết 25 vụ việc trong 29 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao.

Về lĩnh vực môi trường, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và khắc phục môi trường, Bộ đã phối hợp tiến hành những biện pháp xử lý triệt để 392/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoàn thành thu gom xử lý nước thải ở 2 lưu vực sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai… Toàn ngành đã triển khai hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học với 3.488 cơ sở, xử phạt trên 74,25 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá: Trong những năm qua hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tập trung vào giải quyết những vụ việc khiếu phức tạp, kéo dài. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những yếu kém và các sai phạm để xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đưa ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong toàn ngành, cũng như tại từng địa phương để cùng khắc phục trong thời gian tới. Trong đó lãnh đạo Sở TN&MT Bến Tre góp ý về tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực chăn nuôi, công tác lập quy hoạch sử dụng đất vẫn còn một số vướng mắc. Ý thức thực hiện luật tài nguyên môi trường của người dân còn thấp. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn cho địa phương, cải cách hành chính trong ứng dụng công nghệ thông phần mềm chưa đảm bảo; Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội góp ý vấn đề trên địa bàn TP.Hà Nội, cơ sở nhà đất của Trung ương chậm việc sắp xếp lại nên chậm cấp giấy chứng nhận sử dụng đất…

Bà Lê Thị Công, đại diện Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Ở một số địa phương, công tác quy hoạch lưu vực sông không thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường, việc đầu tư ở thượng nguồn gây ô nhiễm ở hạ nguồn. Khai thác cát nhiễm mặn, vật liệu san lấp ở địa phương thiếu, không giám sát khai thác cát nhà đầu tư sẽ khai thác quá mức cho phép, nguy cơ sói lở rất cao. Qua đó, bà đưa ra kiến nghị ngưng xã hội hóa khai thác cát nhiễm mặn để xuất khẩu và sử dụng. Khu xử lý chất thải tập trung ở Tân Thành - Vũng Tàu, cần thanh tra những cơ sở nhà máy do Bộ cấp phép và xử lý chất thải, hạn chế nhập khẩu phế liệu, việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu còn khó khăn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao…

Không cấp phép cho các KCN thiếu hệ thống xử lý nước thải - 1

Quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Đức Anh).

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành TN&MT. Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành TN&MT cần theo dõi, giám sát việc thi hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là Luật Đất đai để tránh tình trạng khiếu kiện, thiếu hiệu quả trong công tác quản lí; Quyết liệt giảm dần cơ chế xin – cho, tránh việc ôm đồn trong công việc, cần thực hiện phân cấp thực hiện nhiệm vụ rõ ràng.

Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, Bộ TN&MT cần tăng cường công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải quyết nhanh chóng các khiếu kiện, đền bù giải phóng mặt bằng; Tiếp tục hoàn thiện các Dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Bộ TN&MT cần phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng, thực hiện và giám sát các đề án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là công tác xây dựng dự tại các địa phương cần nhanh chóng và kịp thời; Về quản lí và khai thác các nguồn tài nguyên, tiếp tục tăng cường công tác điều tra cơ bản, phân giới cắm mốc và lập bản đồ địa chính.

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, khi triển khai Luật Đất đai 2013, tình trạng khiếu kiện đã giảm, việc giải phóng mặt bằng cũng được triển khai dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua không phát sinh khiếu kiện do việc thực hiện Luật tốt hay do các doanh nghiệp đầu tư vấn đề này Bộ TN&MT cần xem xét…

“Về lĩnh vực môi trường, Bộ TN&MT và các địa phương cần quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lí nghiêm các hành vi xả thải, sản xuất gây ô nhiễm. Hiện vẫn còn 40 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Trong thời gian tới, dứt khoát không cấp phép hoạt động đối với các nhà máy, cụm, khu công nghiệp chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải. Vấn đề môi trường đang là thách thức rất lớn đối với xã hội, Bộ TN&MT cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn luật cho doanh nghiệp và người dân thực hiện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không cấp phép cho các KCN thiếu hệ thống xử lý nước thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO