Việc sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 đã được nhiều Bộ, ngành địa phương triển khai. Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, nếu không chấn chỉnh, quản thật chặt thì biên chế không những không giảm mà lại tăng, gây áp lực cho ngân sách.
Xây dựng Trung tâm dịch vụ công giảm bớt nhân lực bộ máy, giảm phiền hà cho người dân.
Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: Không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy, do đó phải quyết liệt tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không đơn giản, vì từ nay đến 2021 chỉ còn có 2 năm để thực hiện cho được mục tiêu tinh giản 10% biên chế công chức. Nhưng với tiến độ giảm biên chế chậm chạp như hiện nay để tinh giản 10% biên chế công chức là rất khó.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc sắp xếp bộ hành chính tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 đã được nhiều Bộ, ngành địa phương triển khai. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tinh giản biên chế 4.294 người, đơn vị sự nghiệp công lập 24.717 người, công chức cấp xã 5.767 người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã sắp xếp lại giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục.
Riêng Bộ Công an đang sắp xếp theo hướng không còn 6 tổng cục, giảm từ 125 đơn vị cấp cục còn 60, giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, giảm hơn 1.000 cấp phòng thuộc các cơ quan cục, vụ và công an các tỉnh.
Đạt được một số kết quả như vậy trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng đến các Bộ, ngành địa phương thì kiến nghị nêu ra ở các cuộc làm việc này thường liên quan đến tổ chức, biên chế. Theo đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức.
“Không thể chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy”, các bộ ngành địa phương phải thực hiện nghiêm vấn đề này. Kể cả chuyện biên chế viên chức nhưng ngồi phòng công chức cần chấn chỉnh. Bởi nếu không chấn chỉnh, quản thật chặt thì biên chế không những giảm mà lại tăng, gây áp lực cho ngân sách.
Câu chuyện giảm biên chế không chỉ là nhiệm vụ của khối hành chính nhà nước mà khối sự nghiệp cũng cần phải làm rốt ráo. Bởi đây là nội dung rất quan trọng khi Nghị quyết Trung ương đã yêu cầu trong giai đoạn 2015-2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Thế nhưng mục tiêu này cũng chưa thực hiện được.
Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo về quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương, với nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người…
Lý giải vì sao biên chế sau nhiều nỗ lực nhưng số lượng giảm là không đáng kể, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, có nhiều cơ quan quản lý biên chế. Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương quản lý và giao biên chế cho các tổ chức Đảng, đoàn thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý và giao biên chế cho kiểm toán, tòa án, Viện Kiểm sát, Văn phòng Chủ tịch nước. Quá nhiều đầu mối quản biên chế là lý do khiến biên chế không những giảm mà tăng bất chấp các “sắc lệnh” tinh giản.
Vì sao biên chế lại tăng? Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính là vì chế tài chưa nghiêm. Ông Chính đặt câu hỏi, “liệu đã có ai bị kỷ luật hoặc khen thưởng vì để tăng, giảm biên chế không”? “Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp lần thứ 14 của Ban Chấp hành đảng bộ Hà Nội diễn ra đầu tuần này, có ý kiến cho rằng, biết rõ mười mươi đơn vị mình có tới 40% cán bộ không biết làm việc gì nhưng cũng không loại được “vì là con ông này, cháu bà kia”.
Ngoài việc “con ông này, cháu bà kia”, những cán bộ này không vi phạm kỷ luật, làm việc thì làng nhàng. “Họ cứ đi ra, đi vào, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó cho nghỉ”, rồi bình bầu cuối năm cũng toàn tiên tiến, chiến sỹ thi đua. Ai cũng hoàn thành nhiệm vụ cả.
Tinh giản biên chế nếu cứ trông chờ vào sự tự giác của các bộ, ngành địa phương chắc chắn sẽ khó đạt mục tiêu đã đặt ra như những lần tinh giản trước. Quyết không chấp nhận tăng biên chế, phình bộ máy điều này không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị mà phải biến thành hành động, hành động quyết liệt, nếu không biên chế không những không giảm mà còn âm thầm tăng như trước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Năm 2019 đặt mục tiêu giảm thêm 2% biên chế công chức
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế công chức 10% vào năm 2021, năm 2019 Thủ tướng giao chỉ tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan hành chính khối công chức là 2%. Tại sao phải đạt cho được mục tiêu này là bởi, 4 năm qua sau những nỗ lực quyết tâm, chúng ta mới chỉ giảm có 4,6%, vì vậy 3 năm còn lại đòi hỏi phải giảm mỗi năm 1,8% thì mới đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đối với khối sự nghiệp, đề nghị năm 2019 tiếp tục tinh giản 2,5%.
Để thực hiện tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 108 mà Bộ đã lấy ý kiến, theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho địa phương để giải quyết vấn đề tinh giản biên chế… Phân cấp cho các địa phương họ rất phấn khởi, làm rất nhanh. Tới đây bộ tiếp tục phân cấp và đẩy mạnh một số lĩnh vực khác, trong đó có cả việc tinh giản biên chế. Có như vậy địa phương mới chủ động sắp xếp và chịu trách nhiệm về quá trình tinh giản biên chế của đơn vị mình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Đến năm 2020 sẽ giảm 50% chi cục thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ khẩn trương xây dựng các nghị định theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7. Kiến nghị các địa phương tập trung xây dựng hoàn thiện đề án quản lý, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ.
Liên quan đến việc sắp xếp lại bộ máy kết hợp với tinh giản biên chế, Bộ Tài chính quyết định giải thể 43 phòng giao dịch tương đương với các chi cục thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ ngày 1/6/2018 và tiếp tục sắp xếp, rà soát các chi cục thuế, hải quan, tổng cục dự trữ... theo khu vực để giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả lao động.
Chúng tôi cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 50% chi cục thuế và đề nghị các địa phương ủng hộ, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan tài chính trên địa bàn, đảm bảo đúng lộ trình, đảm bảo hoạt động, không ảnh hưởng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tài chính, ngân sách.
Ông Nguyễn Đình Hương.
Phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, để có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả thì trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Dù tổ chức của chúng ta là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải dứt khoát quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, không thể chấp nhận tình trạng như lâu nay, hễ có việc gì là không quy được trách nhiệm cho ai.
Bất cập lớn nhất trong tổ chức bộ máy hiện nay là chúng ta vẫn cơ cấu các Bộ theo mô hình truyền thống, gồm: Tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập; trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban...
Mô hình này tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Vì thế, một nội dung để báo cáo lên được cấp Bộ trưởng phải qua rất nhiều khâu, nhiều quy trình. Tương tự, một chỉ đạo từ Bộ trưởng xuống đến người trực tiếp thực hiện cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian.
“Tinh giản biên chế là cần thiết, việc này “còn gian nan lắm”, mà gian nan nhất là vì động chạm đến con người, tôi nghĩ rằng, “tinh giản biên chế thậm chí còn khó hơn cả chống tham nhũng”. Để thực hiện được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, chủ trương đã có nên quan trọng nhất là cách thức triển khai và sự quyết liệt của những người đứng đầu. Cần quy định gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan đơn vị, nơi nào triển khai tốt thì khen thưởng, nơi nào không thực hiện hoặc thực hiện không tốt phải kỷ luật”- ông Hương nói.
Theo Kiểm toán Nhà nước, về việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương, với nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người… |