Xung quanh việc mới đây lô hàng thịt gà đầu tiên của Việt Nam được xuất vào thị trường Nhật Bản, nhiều người cho rằng đây là dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới chăn nuôi của chúng ta, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gia cầm thời gian tới.
Vì khi đã vào được thị trường khó tính như Nhật bản thì cánh cửa thị trường thế giới coi như đã mở toang cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, con gà đó dẫu xuất đi từ Việt Nam nhưng nào phải “gà xịn” của Việt Nam nên cũng không nên quá vui mừng. Thực hư chuyện này ra sao?
Ảnh minh họa.
Sáng 9/9, tại Cảng Long An, dưới sự chủ trì của Bộ NN&PTNT đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà sạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Lô hàng xuất khẩu này thuộc về chuỗi liên kết từ con giống, thức ăn, trang trại, giết mổ và phân phối với các đơn vị: Công ty Bel Gà (Bỉ), Tập đoàn Hùng Nhơn (Việt Nam), Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan) và Koyo & Unitek (Nhật Bản).
Chuỗi liên kết này tạo ra một dây chuyền khép kín sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất.
Nói như ông Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NNPTNT thì đây là sự kiện rất quan trọng với ngành nông nghiệp và bà con nông dân chăn nuôi.
Việc xuất khẩu lô hàng sang Nhật Bản lần này chứng minh rằng thực phẩm Việt Nam rất sạch, rất tốt, giá phù hợp vì Nhật Bản là một thị trường rất khắt khe.
Ông Cường cũng cho rằng, ý nghĩa không phải một container, mà là mở ra một triển vọng, một món hàng tưởng rằng chúng ra không bao giờ xuất được thì cũng đã lên đường.
“Sau lô hàng này sẽ tiếp đến trứng, đến thịt lợn, một tương lai không xa chúng ta phải quyết tâm có những thực phẩm khác thậm chí cả con bò”- Bộ trưởng Cường hào hứng nói.
Cũng về lô hàng này, ông Nguyễn Quốc Toản- phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam làm bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ban ngành, địa phương, doanh nghiệp để sản phẩm tới được những thị trường cực khó tính là Nhật Bản.
Ông Toản cũng nhấn mạnh rằng, điều đó khẳng định trình độ tổ chức chăn nuôi, chế biến và an toàn thực phẩm của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường bậc cao trong khu vực và thế giới.
Cõn theo ông Nguyễn Trí Ngọc- phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam thì nếu xây dựng được chuỗi liên kết giá trị, với doanh nghiệp là hạt nhân thì đây sẽ là yếu tố quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Mừng thì mừng thật nhưng cũng không phải mọi việc đều đã được giải quyết.
“Soi” vào lô gà đầu tiên xuất đi Nhật Bản, thì hóa ra chúng ta chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị ấy. Lật lại vấn đề: Ngày 26/10/2016, Bộ NN^PTNT phê duyệt “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất thịt gà chế biến xuất khẩu”.
Theo chuỗi giá trị này, Công ty cổ phần Bel Gà (thuộc Tập đoàn Belgabroed của Bỉ) cung cấp gà giống và gà đẻ chất lượng, đạt chứng nhận GlobalGAP.
Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn chăn nuôi và giải pháp chăn nuôi đạt chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm gà thịt sẽ được De Heus mua lại và bán cho Công ty Koyu & Unitek (Nhật Bản) và công ty này sẽ phân phối sản phẩm tại thị trường Nhật Bản. Trong chuỗi giá trị này, phía Việt Nam chỉ tham gia khâu duy nhất là nuôi gà gia công.
Như vậy một con gà có tới 4 chủ, hay nói cách khác con gà đó cũng không thể gọi là gà Việt Nam cho dù được người nông dân Việt Nam nuôi, mổ thịt, đóng thùng và xuất đi từ Việt Nam. Khi sang đến Nhật, nhà phân phối lại đặt cho nó một cái tên khác, cũng không còn tên là gà Việt Nam nữa.
Trong quá trình hội nhập, mở rộng thị trường thế giới thì chất lượng sản phẩm là vô cùng quan trọng. Mà muốn có được được thì phải tuân thủ chuỗi giá trị một cách gắt gao.
Đáng tiếc là trong chuỗi giá trị đó, phía Việt Nam chỉ là một mắt xích- cái mắt xích lấy công làm lãi như từng thấy trong các doanh nghiệp FDI khi công nhân Việt Nam là người lắp ráp.
Chúng ta vẫn chưa tự mình lập ra và hoàn chỉnh chuỗi giá trị, mà vẫn phải dựa vào các công ty nước ngoài. Vì vậy, lợi nhuận thu được (nói đúng hơn là lợi nhuận được chia lại) không cao.
Việt Nam vẫn tự hào là một quốc gia nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Nhưng khi muốn vào thị trường thế giới vẫn phải dựa vào người khác, đó là điều rất đáng suy nghĩ.
Nói cách khác, phải trăn trở rằng bây giờ chúng ta yếu nên phải hợp tác với nước ngoài trong chuỗi giá trị ấy; nhưng phải nhanh chóng khỏe lên, tự mình làm chủ, tự mình quyết định.
Vui mừng sớm một chút cũng được nhưng quan trọng hơn là phải biết tự dằn vặt thì mới có thể thoát được cảnh chỉ là người làm thuê ở chính sản phẩm của mình, trên chính đất nước mình.
Một vấn đề khác không kém quan trọng, đó là chất lượng thực phẩm. Tại sao khi hợp tác với nước ngoài chúng ta sản xuất ra được sản phẩm “siêu sạch”, nhưng còn với người tiêu dùng trong nước thì lại rất thờ ơ.
Câu chuyện “con đường từ bữa ăn đến nghĩa địa” vẫn còn đó như một thách thức. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nói rất nhiều nhưng không chuyển.
Nạn thịt gia súc, gia cầm bẩn vẫn rất phổ biến, đến độ người ta phải dùng máy truy xuất nguồn gốc từng miếng thịt khi đi chợ. Rau cũng thế, hoa quả cũng thế.
Nhìn đâu cũng thấy thực phẩm cực đáng ngờ. Vì sao khi làm hàng cho nước ngoài ta làm tốt nhưng với chính đồng bào mình thì lại sống chết mặc bay?
Vậy nên mới nói, chuyện lô thịt gà đầu tiên xuất sang Nhật Bản có đủ cả buồn vui về vị thế chăn nuôi của Việt Nam. Lô hàng siêu sạch đó cũng thêm một lần nhắc rằng việc sản xuất chăn nuôi có lương tâm phục vụ cho chính đồng bào mình phải được làm thật sự chứ không chỉ dừng lại ở lời nói hay là những đợt “ra quân kiểm tra” vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính phong trào.