Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp trên TikTok những đoạn video ghi lại hình ảnh các bé gái mặc trang phục, nhảy theo nhạc, diễn “trend” gợi cảm như người lớn. Những đoạn clip ấy nhận được hàng trăm nghìn lượt xem, hàng chục nghìn lượt “thả tim”, những lời bình luận, chia sẻ. Thế nhưng ít ai dừng lại để tự hỏi: Những em nhỏ ấy đang cảm nhận thế giới mạng bằng lăng kính nào? Và ai là người đưa các con lên sân khấu ảo ấy?
Nhiều trong số những video đó không phải do trẻ tự quay, tự đăng, mà được chính cha mẹ - người thân ghi lại rồi đưa lên mạng với lý do "đáng yêu", "cho vui", "khoe con một chút không sao". Nhưng trong không gian mạng, nơi mọi hình ảnh có thể bị cắt ghép, gán ghép và sử dụng trái mục đích, không gì là "chút ít" vô hại cả.
Đằng sau những lượt xem khổng lồ ấy là thuật toán lạnh lùng của nền tảng. Một clip trẻ nhảy múa có thể được lan toả, cũng có thể thu hút nhiều ánh nhìn sai lệch. TikTok hay YouTube không có khả năng phân định đúng - sai về đạo đức, càng không chịu trách nhiệm nếu hình ảnh trẻ bị kẻ xấu lợi dụng.
Trẻ nhỏ chưa có đầy đủ nhận thức về ranh giới cá nhân, chưa hiểu được giá trị quyền riêng tư hay hậu quả của việc bị người khác theo dõi, đánh giá. Những lời tung hô “xinh quá”, “trẻ con mà sexy thật” có thể gieo vào đầu óc non nớt một sự ngộ nhận rằng giá trị bản thân gắn liền với ngoại hình, với độ nổi tiếng trên mạng. Sự lệch chuẩn ấy sẽ âm thầm hằn sâu theo tuổi thơ, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, nhận thức của trẻ.
Không ít chuyên gia tâm lý đã cảnh báo: Khi cha mẹ sử dụng hình ảnh con để "khoe", để "câu like", để thoả mãn nhu cầu xã hội ảo, chính họ đã vô tình xâm phạm quyền riêng tư - vốn là quyền được pháp luật và công ước quốc tế bảo vệ. Nhiều trẻ lớn lên bị bạn bè trêu chọc vì những clip thời thơ ấu bị lan truyền. Có trẻ mất niềm tin với người thân khi biết hình ảnh cá nhân bị dùng làm “vật phẩm giải trí” công cộng.
Trẻ không phải là diễn viên bất đắc dĩ trong cuộc đua "content". Trong thế giới thật, chúng ta vẫn dạy trẻ về sự lịch thiệp, kín đáo, tự trọng. Vậy tại sao khi bước vào thế giới ảo, những bài học ấy lại bị đảo ngược chỉ vì số lượt “view”?
Chúng ta không vội vàng phán xét những bậc phụ huynh nào đó đã từng chia sẻ video con gái họ nhảy múa, biểu diễn, nhưng vấn đề đặt ra là mỗi lượt chia sẻ sẽ là một lần hình ảnh trẻ bị nhân bản. Mỗi cú nhấp chuột là một cơ hội cho kẻ xấu tiếp cận. Và mỗi phút giây nổi tiếng ảo hôm nay, có thể là nguồn gốc cho những rạn nứt tâm lý, tổn thương lòng tự trọng ở ngày mai.
Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã nêu rõ: Mỗi trẻ em có quyền được bảo vệ đời tư, hình ảnh, danh dự và nhân phẩm. Pháp luật Việt Nam cũng không cho phép việc sử dụng hình ảnh trẻ em vì mục đích thương mại, giải trí hoặc bất kỳ mục đích nào mà không có sự đồng thuận và vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
Vì vậy, xin hãy dừng lại, nghĩ thêm một chút trước khi đưa hình ảnh con mình lên mạng. Hãy tự hỏi, liệu con có đồng ý không? Liệu điều đó có giúp ích gì cho sự trưởng thành của con? Và hơn hết, liệu ta có đang yêu thương sai cách?
Thay vì tìm kiếm sự công nhận trên không gian ảo, hãy trao cho con sự an toàn trong không gian thực. Hãy làm bạn với con, lắng nghe con, tôn trọng quyền riêng tư của con - đó mới là trách nhiệm lớn nhất của người làm cha, làm mẹ.
Hãy để tuổi thơ của các con được đúng nghĩa - vô tư, hồn nhiên, và an toàn.