Không chỉ là chuyện cho trẻ con

Đặng Nhật Minh 28/09/2018 11:36

Nếu có ai đó nói với bạn rằng lĩnh vực sản xuất Phim hoạt hình và Truyện tranh sẽ là ngành kinh tế cơ bản của thế giới trong thế kỷ 21 thì chắc chắn bạn sẽ mỉm cười với đầy vẻ hoài nghi. Nhưng nếu nhận định trên được một người như  ông Tomori Tsutomu- Chủ tịch Công ty Phim hoạt hình Toei Nhật Bản nói ra thì không biết bạn có tin hay không?

Không chỉ là chuyện cho trẻ con

Riêng tôi, người được tham dự cuộc hội thảo về Truyện tranh và Phim hoạt hình Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội vừa qua thì tôi hoàn toàn tin. Điều tưởng chừng như hoang tưởng kia chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa. Sau đây là những luận cứ hùng hồn củng cố cho lòng tin đó:

Năm 2004 Nhật Bản chính thức bắt tay xây dựng đất nước của công nghiệp giải trí. Tổng doanh số của ngành công nghiệp giải trí ở Nhật Bản trong năm 2004 là 12 nghìn tỷ yên. Trong khi đó tổng doanh số của nghành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Nhật là 20 nghìn tỷ yên. Trong 12 nghìn tỷ yên của công nghiệp giải trí hiện nay thì doanh số của phim hoạt hình chiếm 260 tỷ yên. Nhưng các nghành “ăn theo “ như sản xuất đồ chơi, quần áo may sẵn dùng hình tượng nhân vật lấy từ những phim hoạt hình Nhật Bản có doanh thu lên đến 2 nghìn tỷ yên. Rõ ràng đến một lúc nào đó công nghiệp giải trí sẽ đóng một vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Nhật Bản và lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình, truyện tranh sẽ trở thành một nghành sản xuất quan trọng trong tương lai.

Trước hết hãy nói đến công nghệ sản xuất truyện tranh mà người Nhật gọi là manga. Người Nhật được coi là một dân tộc yêu thích truyện tranh nhất trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2004 số lượng truyện tranh đơn quyển (không kể tạp chí hay tập san chuyên về truyện tranh) được phát hành là 10.431 cuốn. Năm 2005 cuốn truyện tranh được phát hành với số lượng cao nhất là tập 35 của bộ truyện tranh One piece (Một miếng) của tác giả Ota Eichiro với số lương in là 2.350.000 bản. Bằng với tập thứ 35 này toàn bộ truyện tranh One Piece đã đạt tới con số 110 triệu bản . Ở Nhật có 7 đầu sách dã vựơt quá ngưỡng cửa 100 triệu bản trong đó có cuốn Bẩy viên ngọc rồng (rất được yêu thích ở VN) có số lượng phát hành kỷ lục 120 triệu bản. Ở Nhật có 297 tạp chí chuyên đăng truyện tranh trong đó có 9 tạp chí đạt số lượng in trên 1 triệu bản. Doanh thu của thị trường ấn phẩm truyện tranh năm 2004 là 504,7 tỷ yên. Độc giả của các tạp chí truyện tranh khá rộng: từ trẻ em 5 tuổi cho đến ông già 60. Lý do khiến truyện tranh Nhật Bản được độc giả không những trong nước mà cả nước ngoài, bất kể già trẻ gái trai mê mệt là do trong các truyện tranh Nhật Bản có cốt truyện rất hấp dẫn.

Có những truyện tranh Nhật Bản dài đến vài chục tập có khi hơn 100 tập mà người xem vẫn háo hức muốn xem là vì chúng có cốt truyện lôi cuốn. Trước kia truyện tranh Nhật Bản cũng thường ngắn và đơn giản, mang tính chất giáo huấn cho trẻ em, không có những truyện có nôị dung phức tạp, triết lý sâu sắc. Người có công mở rộng đề tài, cải tiến nội dung , đề cao vai trò của cốt truyện, quan tâm đến kịch tính v.v... là nhà văn Tezuka Osamu. Nhờ ông mà truyện tranh Nhật Bản có được vị thế như ngày nay. Một tờ báo lớn ở Nhật đã viết: Người nước ngoài thường hay đặt dấu hỏi: tại sao người Nhật lại thích truyện tranh đến như vậy? Điều đó chỉ có thể giải thích là vì họ có Tezuka Osamu. Năm 1948 ông đã đưa ra truyện tranh có cốt truyện đầu tiên là Quái vật trong lòng đất. Từ đó trong khoảng 60 năm ông đã sáng tác một khối lượng khổng lồ truyện tranh. Tích luỹ nội dung truyện tranh đã trở thành một nguồn tích luỹ vốn đối với nền công nghiệp không khói này.

Bây giờ ta thử tìm hiểu lĩnh vực phim hoạt hình mà người Nhật gọi là anime. Ở Nhật Bản có 435 hãng sản xuất phim hoạt hình trong số đó có 50 hãng đảm đương được tất cả các công đoạn từ lập kế hoạch sản xuất cho đến hoàn thành sản phẩm. Mỗi năm Nhật Bản sản xuất được 3. 500 phim hoạt hình, chiếm 60% số lượng phim hoạt hình sản xuất trên thế giới. Có thể nói tất cả trẻ em trên thế giới đều say mê phim hoạt hình Nhật Bản. Có một học giả nước ngoài đã nhận xét rằng ngôn ngữ chung của lứa tuổi 50 trên thế giới là nhạc Beatles, của lứa tuổi 60 là phim của Walt Disney, của những người lứa tuổi 70 , 80 là Charlie Chaplin. Còn ngày nay ngôn ngữ chung của giới trẻ trên hành tinh này là phim hoạt hình Nhật Bản. Thật vậy chú mèo Đô rê mon đã đi vào ký ức tuổi thơ của trẻ em Việt Nam từ lúc nào không hay. Vậy thì sức mạnh của phim hoạt hình Nhật Bản nằm ở chỗ nào? Nó khác với phim hoạt hình của Mỹ từng ngự trị trên khắp màn ảnh thế giới một thời là ở chỗ nào? Phim hoạt hình của Mỹ trước hết là câu chuyện chuyển động. Còn phim hoạt hình Nhật Bản trước hết là nhân vật chuyển động. Phim hoạt hình Nhật Bản rất coi trọng nhân vật: Chú mèo Đô rê mon, Nữ thuỷ thủ mặt trăng, Hai cô phù thuỷ xinh đẹp v.v...

Tác giả của các bộ phim đó đã tạo dược những tình cảm vui buồn, hồi hộp thót tim xoay quanh các nhân vật của mình làm cho độc giả yêu thích, muốn mua các sản phẩm gắn liền với những nhân vật đó. Không những thế những nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản còn nắm bắt rất nhanh nhậy tâm lý của khán giả gắn liền với những diễn biến thời cuộc. Khi tin tức thời sự về chiến tranh và khủng bố được đưa hàng ngày trên TV và dường như nam giới đang lúng túng trong việc giải quyết các tình thế nan giải thì một loạt nữ anh hùng xinh đẹp đầy sức mạnh xuất hiện. Ở Holywood 3 năm gần đây các bộ phim về các nữ anh hùng xinh đẹp như Dark Angel, Kill Bill cũng rất được hâm mộ. Phim hoạt hình Nhật Bản được đánh giá cao ở Âu , Mỹ là vì trong đó chứa đựng những yếu tố văn hoá cùng tinh thần Nhật Bản và Châu Á nói chung, hay nói cách khác là yếu tố phương Đông .

Theo ông Tomari Tsutomi hoạt hình sắp bước vào giai đoạn hình thành doanh nghiệp toàn Châu Á nhờ có internet. Hiện nay Hãng phim hoạt hình Nhật Bản Toei Animation có chi nhánh ở Philippine với 160 nhân viên sản xuất 70% hình ảnh động và mầu của hãng. Giữa Tokyo và Manila đã có đường truyền cáp quang. Như vậy trong tương lai sẽ có những sản phẩm hoạt hình được sản xuất trên mạng, sử dụng nhân tài của nhiều nước. Những người không biết mặt nhau, thuộc những quốc gia khác nhau cùng ngồi bàn về nhân vật, về cốt truyện v.v...... để cho ra đời những bộ phim hoạt hình.

Mặt khác, với kỹ thuật số các cá nhân nay mai cũng có thể sản xuất phim hoạt hình. Nếu biết sắp xếp khoa học thì một người cũng có thể làm một bộ phim hoạt hình. Ba năm trước anh Niiama Makoto 21 tuổi người Nhật đã một mình làm bộ phim Tiếng gọi của ngôi sao trong 2 năm rưỡi và bán ra 60 nghìn đĩa CD với doanh số 500 triệu yên, xuất khẩu cả ra nước ngoài.

Phim hoạt hình Việt Nam với những chú gà con, mèo con... tượng trưng cho những nhân vật chính diện và cáo tượng trưng cho những nhân vật phản diện... từ lâu đã quá quen thuộc với các khán giả trẻ tuổi đến nhàm chán. Những câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn quá đơn giản, lộ liễu đã không còn hấp dẫn được các em. Phải chăng vì vậy mà không có một doanh nhân nào ở ta dám bỏ tiền đầu tư vào khu vực này. Gần đây Tập đoàn Vingroup thành lập Hãng phim hoạt hình Vintata với tham vọng đem hình tượng chú khỉ Monta trở thành người bạn lâu dài của các trẻ em VN như chú mèo Đô rê mon của Nhật. Đây là một sự khởi đầu đáng khích lệ mặc dù lĩnh vực giải trí cho trẻ em ở ta còn lâu mới được coi như một nghành công nghệ mũi nhọn. Đừng nghĩ rằng đấy chỉ là chuyện cho trẻ con, nó là chuyện nghiêm chỉnh của người lớn đấy. Có ai ngờ rằng nghành công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em đã mang lại cho Trung Quốc những món lợi nhuận khổng lồ trên cả nghành may mặc!

Tuổi thơ là quãng thời gian đẹp nhất của con người và tuổi thơ ấy luôn gắn với những nhân vật trong các phim hoạt hình như những người bạn đồng hành chung thuỷ. Người Nhật biết rất rõ như vậy và đó là bí quyết làm nên sức mạnh của phim hoạt hình Nhật Bản. Cùng với truyện tranh, hoạt hình sẽ là một ngành kinh tế cơ bản của nhân loại thế kỷ 21. Bạn có tin vào điều đó không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ là chuyện cho trẻ con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO