Thời điểm này, những gia đình có con em vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia 2017 ít nhiều đều tập trung với việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chỉ được thay đổi nguyện vọng một lần duy nhất nhưng lại là sau khi có điểm thi, phổ điểm nên việc cân nhắc học ngành nào, trường nào có nhiều cơ sở thực tế hơn.
Khác với mọi năm, năm nay với việc đăng ký không giới hạn nguyện vọng và các trường xét trúng tuyển theo điểm, không theo thứ tự nguyện vọng nên khó có chuyện thí sinh nào điểm trên điểm sàn lại trượt ĐH! Nhất là với những thí sinh muốn học ĐH bằng mọi giá mà không cần đúng nguyện vọng thì việc đăng ký một danh sách nguyện vọng thật dài, trong quá trình sàng lọc “lọt sàng xuống nia”, không đỗ ngành này thì cũng có thể học ngành khác, trường khác.
Ngay cả với những thí sinh có điểm thi THPT quốc gia thấp, điểm tổ hợp các môn theo khối dưới cả điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố nhưng cơ hội vào ĐH vẫn là... thênh thang do nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh bằng cách xét học bạ. Chỉ cần thí sinh đỗ tốt nghiệp, có bảng điểm 3 năm học THPT hoặc có trường chỉ tính riêng lớp 12 đủ điều kiện là có thể được xét vào trường ĐH. Chẳng thế mà, nhiều người vẫn nói vui, bây giờ khó như trượt ĐH!
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ kiểm tra, đối chiếu lại những trường hợp có điểm thi THPT quốc gia chênh lệch nhiều so với lực học tại trường phổ thông. Nghĩa là, có thể thí sinh có điểm thi cao hơn tổng kết các năm học hoặc ngược lại, điểm thi thực tế thấp hơn nhiều.
Một cán bộ tuyển sinh cho biết, kinh nghiệm thực tế là 3 năm nay, khi có những trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh bằng học bạ, một thực tế đáng buồn là kết quả điểm trung bình học bạ lớp 12 của một số học sinh một số trường cao hơn nhiều so với điểm các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Điều này cho thấy điểm của năm lớp 12 không thật cao nhưng chính điểm số này đang giúp học sinh bước vào ngưỡng cửa ĐH một cách rất dễ dàng.
Một lý do nữa khiến thí sinh khó rớt ĐH là vì hiện nay số lượng chỉ tiêu các trường quá lớn so với nguồn tuyển, tức số lượng học sinh có nhu cầu vào ĐH trong nước. Bằng chứng là với điều kiện tuyển sinh ngày càng rộng mở nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, nhiều gia đình chỉ cần con đỗ tốt nghiệp là đã chuẩn bị sẵn sàng một suất du học ở nước ngoài hoặc một trường xét tuyển vào ĐH bằng học bạ.
Một nghịch lý khác mỗi mùa thi vẫn diễn ra đó là sẽ vẫn có những học sinh điểm cao không vào được đúng trường mình thích, gia đình kỳ vọng sẽ rất áp lực, buồn chán. Không phải ngẫu nhiên mà sau mỗi kỳ thi, khi điểm thi được công bố thì vẫn có thông tin ở nơi này nơi kia, học sinh tự tử vì thi trượt, hoặc các bệnh viện tiếp nhận những thí sinh bị sốc tâm lý hoặc trầm cảm. Nhất là ở những ngành học có tính cạnh tranh cao như ngành Y đa khoa, thí sinh 27 điểm vẫn có thể trượt như thường.
Theo dõi thông tin từ phía Trường ĐH Y Hà Nội, một người quen của tôi có con gái thi được 28,5 điểm khối B, muốn xét tuyển vào ngành y Đa khoa của trường này đã không khỏi lo lắng khi phía trường khẳng định 28 điểm chưa chắc đã đỗ. Dễ hiểu vì đây là ngành có sức hấp dẫn lớn, theo quan sát nhiều năm, những em điểm cao khối B thường chọn ngành này hoặc Răng – Hàm – Mặt. Hôm trước đọc báo, thấy có trường hợp 27,75 điểm vẫn thay đổi nguyện vọng thì chị càng lo lắng không yên. Nhiều người chúc mừng cháu thi được điểm cao nhưng mẹ con chị đang thấy rất áp lực, lo lắng nếu con gái trượt ĐH mà mình yêu thích...
Câu chuyện tưởng như nghịch lý là thí sinh điểm cao lại lo hơn thí sinh điểm thấp hóa ra là có thật. Tâm sức 12 năm học hành của các em đã được ghi nhận xứng đáng bằng một kết quả cao nhưng nếu không may, điểm số này vẫn chưa đủ để vào trường, vào ngành học mà các em mơ ước thì cũng đừng vì thế mà quá buồn bã, chán chường. Bởi cánh cửa này khép lại thì đồng thời sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Chỉ cần bạn có một thái độ nghiêm túc và không ngừng nỗ lực trong công việc mình làm thì thất bại sẽ chỉ là nhất thời.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh khi biết điểm thi của con cũng cần bình tĩnh để có thái độ ứng xử phù hợp. Đặc biệt là những bạn có điểm số thi không được cao như kỳ vọng của gia đình, thậm chí là thấp hơn nhiều so với sức học bình thường trên lớp. Chắc chắn, các thí sinh này đã rất buồn, không cần thêm sự chì chiết, đay nghiến từ bất cứ ai khiến các em rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đến cùng cực, từ đó gây ra những hành vi tiêu cực không thể cứu vãn nổi... Cảm thông và chia sẻ, động viên và cùng con em mình tìm hướng đi hợp lý nhất là điều mà các bậc phụ huynh có thể làm trong lúc này.
Đại học không bao giờ là con đường duy nhất để vào đời. Và càng không có ngành học nào quan trọng hơn ngành nào. Ngay cả trong cùng một ngành học, không phải cứ sinh viên tốt nghiệp trường ĐH tốp trên thì chắc chắn xuất sắc và có mức lương cao hơn những sinh viên của các trường khác.