Không cho bán bánh trung thu trên vỉa hè: Người dân đồng tình, doanh nghiệp lo lắng

25/08/2015 09:25

Những người kinh doanh cho rằng: Cả năm mới có một vụ bánh trung thu rơi vào khoảng tháng rưỡi, nếu không bung ra bán thì sẽ lỗ vốn. Vì vậy, dù biết giá thuê đắt nhưng vẫn phải thuê. Còn với người dân, nhiều người được hỏi thì đồng tình với chủ trương của Sở GTVT.

Không cho bán bánh trung thu trên vỉa hè: Người dân đồng tình, doanh nghiệp lo lắng

Trên phố Nguyễn Chí Thanh, gian hàng bánh trung thu
được thuê từ không gian của chung cư.

Ảnh:T. K.

Mùa làm và bán bánh trung thu diễn ra rầm rộ trong khoảng hơn một tháng rưỡi, từ dịp đầu tháng 7 âm lịch cho đến hết ngày rằm trung thu. Thường lệ, vào dịp này, vỉa hè trên nhiều tuyến phố được sử dụng làm nơi bán bánh. Nhưng năm nay, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào kinh doanh bánh trung thu trên vỉa hè.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, giải tỏa triệt để các trường hợp lấn vỉa hè, đường kinh doanh buôn bán, dựng lều quán, ki ốt sai phép, trái phép trên các tuyến hè, đường và báo cáo về Sở GTVT trước ngày 20/9.

Về phía Sở Công thương Hà Nội cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, không chấp thuận việc trưng bày và bán bánh trên vỉa hè, để đảm bảo an toàn giao thông và sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Dạo một vòng quanh các tuyến phố ở Hà Nội – nơi những năm trước các quầy hàng rực rỡ sắc màu và ánh đèn, chúng tôi nhận thấy: Các ki ốt bày bán bánh trung thu với các thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Công ty CP Bánh kẹo Hà Nội, Bibica, Hữu Nghị, Như Lan… vẫn đua nhau dựng lên. Vật liệu của gian hàng hết sức đơn giản: Khung sắt và bạt in màu. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến phố, có thể do đã được Thanh tra GTVT và chính quyền phường, quận nhắc nhở nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất ít. Hầu hết, các gian hàng đều thuê những bãi đất trống của những khu đất đang chờ xây dựng, khu không gian của chung cư, nhà riêng của hộ dân, thậm chí có gian hàng thuê lại những cửa hàng bán thời trang ế ẩm nên cho thuê lại trong vòng tháng rưỡi.

Ví như ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, những gian hàng của Công ty CP bánh kẹo Hà Nội và Kinh Đô đều thuê lại không gian của chung cư sát ngay ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh. Hay như trên phố Trần Bình, đoạn giao cắt phố Lê Đức Thọ, gian hàng bánh trung thu Hữu Nghị thuê lại tiền sảnh của tòa nhà đang xây dựng. Ở phố Giảng Võ những năm trước ngập tràn các gian hàng bánh trung thu thì năm nay chỉ có một gian hàng bánh trung thu được thuê lại từ một gian hàng khác.

Chính vì bị cấm không kinh doanh trên vỉa hè nên để thuê được một gian hàng ở vị trí đẹp, không vi phạm, các đại lý phải bỏ một số tiền lớn ra thuê. Theo anh Hưng - chủ đầu tư gian hàng bánh trung thu tại một toà nhà đầu đường Lê Văn Lương, giá thuê năm nay tăng vọt. Anh đang thuê một gian hàng 30 m2 với giá 30 triệu đồng. Trong khi đó, cùng diện tích và vị trí, năm trước chỉ 20 triệu đồng.

Ghi nhận về việc không cấp phép kinh doanh bánh trung thu trên vỉa hè, những người kinh doanh cho rằng: Cả năm mới có một vụ bánh trung thu rơi vào khoảng tháng rưỡi, nếu không bung ra bán thì sẽ lỗ vốn. Vì vậy, dù biết giá thuê đắt nhưng vẫn phải thuê. Chỉ người có mặt bằng cho thuê là người được lợi nhất. Còn với người dân, nhiều người được hỏi thì đồng tình với chủ trương của Sở GTVT.

Mạnh Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không cho bán bánh trung thu trên vỉa hè: Người dân đồng tình, doanh nghiệp lo lắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO