Liên quan tới quy định “không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn” của một trường học, chuyên gia cho rằng, giáo dục giới tính thay vì “cấm”, nhà trường cần đặt vấn đề “làm thế nào cho đúng”.
“Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”.
Đây là một trong các quy định được Ban giám hiệu Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) dành cho các giáo viên chủ nhiệm nhằm quản lý học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội trong 2 ngày nay.
Quy định này đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt từ phía học sinh. Nhiều học sinh cho rằng, quy định này thiếu nhân văn, là biểu hiện của sự kỳ thị giới tính.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Trường THPT Dương Văn Thì xác nhận, đây là tin nhắn trao đổi công việc trong nội bộ trường gửi giáo viên chủ nhiệm nhằm điều chỉnh học trò có một môi trường sinh hoạt lành mạnh và an toàn.
Theo lý giải của nhà trường, những tuần qua, xuất hiện tình trạng một vài học sinh có những mối quan hệ trên mức tình bạn, cư xử chưa đúng đắn, hiệu trưởng cảm thấy cần phải định hướng cách cư xử của các con sao cho không tổn hại đến sức khoẻ các con. Trong khi đó, bàn ghế trong lớp còn để trống nhưng các con ngồi chật chội nên hiệu trưởng nhắc nhở, mong thầy cô bố trí sao cho con ngồi thoải mái nhất.
Lãnh đạo nhà trường cho biết do cách dùng từ không khéo nên học sinh chưa hiểu đúng, lại nghĩ là kỳ thị giới tính.
Theo các chuyên gia, giáo dục giới tính trong trường phổ thông rất quan trọng, song xét về hiệu quả giáo dục, việc cấm đoán chưa bao giờ là giải pháp hữu hiệu.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nhà trường không nên đưa ra quy định này, vô tình tạo ra những suy nghĩ không tốt cho học sinh.
TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, giáo dục là phương pháp linh hoạt. Tùy từng đối tượng học sinh mà thầy cô, nhà trường đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp. Trong đó, không cho học sinh nam, nữ ngồi chung bàn không phải là biện pháp phổ biến.
Cụ thể tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc giáo dục giới tính cho học sinh luôn được nhà trường chú trọng qua các giờ học riêng, các buổi chuyên đề, cuộc thi ứng xử… Phòng Tham vấn tâm lý học đường của trường được bố trí đội vụ giáo viên, chuyên viên có chuyên môn, luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng học sinh, đặc biệt với những em có vướng mắc, tâm tư, điều khó nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, trong lớp học, việc sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh cần để giáo viên chủ nhiệm được toàn quyền quyết định. Khi quan sát thấy có mối quan hệ tình cảm nảy sinh giữa học trò hoặc vấn đề khác, thầy cô có thể đảo chỗ ngồi phù hợp. Học sinh có học lực kém có thể ngồi với học sinh học giỏi hơn; học sinh nghịch ngợm thì ngồi với học sinh chín chắn hơn. Nhà trường không nên can thiệp tới quyền này của giáo viên chủ nhiệm.
Ở bậc THPT, sự phát triển tâm sinh lý của các em trong giai đoạn này vô cùng phức tạp. Nhà trường không thể cấm các em có tình cảm trên mức tình bạn. Việc ngăn cấm càng làm phát sinh những hiện tượng tiêu cực. Liệu rằng ngoài giờ học, nhà trường có ngăn cấm và quản lý được hay không?
Vì vậy, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục giới tính thay vì “cấm”, nhà trường cần đặt vấn đề “làm thế nào cho đúng”.
Chuyên gia này cho rằng, giáo dục giới tính rất quan trọng và là cả quá trình và cần thực hiện ngay từ bậc tiểu học. Mỗi cấp học, nhà trường cần có các bài học về giáo dục giới tính ở mức độ khác nhau. Bằng những lý lẽ, câu chuyện, hoạt động trải nghiệm, lồng ghép vào các bài học… sẽ giúp học sinh nhận thức và có cách đối xử phù hợp với bạn khác giới.
“Các em được quyền có tình bạn, nhưng tình yêu có những suy nghĩ chín chắn – đó là lời khuyên, lời dẫn dụ đòi hỏi giáo viên cần hết sức tế nhị, không can thiệp thô bạo để học sinh tự nhận thức sâu sắc”, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Đồng thời ông cũng cho rằng, trong việc giáo dục giới tính cũng cần sự chung tay phối hợp giữa gia đình và nhà trường, nắm bắt tâm lý học sinh để có những cách làm phù hợp.