Sức khỏe

Không chủ quan khi dịch bệnh “hạ nhiệt”

An Thái 16/12/2023 09:12

Đến thời điểm này nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng… đã giảm số ca mắc, nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân vẫn chưa thể chủ quan.

bai-chinh.png
Thăm khám cho trẻ em mắc tay chân miệng. Ảnh: BV Nhi đồng 1.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng, chống SXH tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định. Hiện Hà Nội đã qua đỉnh dịch SXH nhưng số mắc vẫn ở mức cao, với trên 1.000 trường hợp/tuần.

CDC Hà Nội dự báo, dù số ca mắc giảm nhưng tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thậm chí, số ca mắc ghi nhận vẫn ở mức cao trong những tuần tiếp theo, nguy cơ có thêm các trường hợp nặng và tử vong liên quan đến bệnh SXH. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, triệt để, không để ổ dịch bùng phát rộng, diễn biến kéo dài.

Thông tin từ CDC TPHCM cho biết, từ giữa tháng 11 tới nay, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng giảm 18,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay là 37.993 ca. Cũng nằm trong xu hướng giảm, trên địa bàn TPHCM có 452 trường hợp mắc bệnh SXH, giảm 10,7% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc SXH trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2023 ổn định, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn tỷ lệ trung bình trong 5 năm qua. Dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do SXH sẽ duy trì ở mức thấp. Tương tự, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng đang có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn tỷ lệ trung bình trong 5 năm.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh tay chân miệng năm nay có xu hướng kéo dài, do đó phụ huynh không nên chủ quan với bệnh. BS Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM) lưu ý, mặc dù trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng, nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh này không bền vững.

Ngoài các dịch bệnh nói trên, Sở Y tế TPHCM cũng vừa cảnh báo, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng và biến thể EG.5 đang phổ biến ở một số nước, nguy cơ số ca mắc Covid-19 tại thành phố gia tăng trở lại là khó tránh khỏi. Theo đó, người dân không được chủ quan.

Theo Sở Y tế TPHCM, từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023, Sở tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oucru (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford), duy trì giám sát các biến thể của virus SARS-CoV2 trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng virus Covid-19 được giải mã gen, kết quả tất cả đều thuộc biến thể của Omicron. Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TPHCM.

Trước tình hình này, Sở Y tế TPHCM yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể Covid-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên toàn thành phố. Các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 trên những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong. Các cơ sở cần đảm bảo việc sẵn sàng phân luồng điều trị khi cần, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở....) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm sớm và tiêm phòng vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan khi dịch bệnh “hạ nhiệt”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO