Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc uốn ván, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm một ca mắc uốn ván, là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Trước khi vào viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân đi bốc gạch bị xây xát ở chân nhưng chủ quan tự rửa vết thương, không đi tiêm phòng uốn ván. Sau đó, bệnh nhân đi làm đồng, lội dưới bùn không đi ủng. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, mệt nhiều, cứng cổ, cứng hàm, cứng gáy… nên mới đi viện điều trị và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Được biết, đây là ca uốn ván thứ 3 được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay, trong khi cùng thời gian này năm ngoái thành phố chỉ có 1 ca bệnh. Điều đáng nói, năm 2023, số ca mắc uốn ván trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng với 25 ca bệnh (tăng 2,5 lần so với năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Như vậy, xu hướng gia tăng ca mắc uốn ván đang tiếp diễn.
BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Bệnh uốn ván khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày.
Thông thường, trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ… Một số trường hợp phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.
Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau. Trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương.
Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát. Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 - 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh uốn ván càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao.
Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gãy xương, gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy thận…
“Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm… và hầu hết người bệnh đều không nghĩ sẽ mắc uốn ván nên chủ quan trong điều trị, không tiêm phòng kịp thời và phải nhập viện khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng” – BS Thiệu chia sẻ.
TS.BS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) nhấn mạnh, tất cả mọi người (người lớn và trẻ em) đều cần được tiêm phòng uốn ván. Đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh cao như phụ nữ có thai; người làm ruộng, vườn; người làm việc ở trang trại, các nông trường chăn nuôi gia súc gia cầm.
“Khi bị vết thương, người dân cần được xử trí tại chỗ đúng cách. Có thể rửa vết thương dưới vòi nước sạch ngay tại thời điểm xuất hiện vết thương để loại bỏ chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều đất cát, thì nên dùng ô xy già để rửa và sát khuẩn vết thương và cầm máu. Sau đó rửa lại vết thương bằng nước xà phòng rồi lau khô, sát khuẩn bằng cồn. Với vết thương có dị vật cần cần rửa sạch, lấy dị vật ra, vệ sinh băng bó lại vết thương. Người có vết thương cần được tiêm huyết thanh kháng uốn ván (SAT) và tiêm phòng vaccine uốn ván bổ sung nếu trước đó họ chưa được tiêm vaccine uốn ván đầy đủ” - BS Sáng hướng dẫn.