Mùa mưa đã bắt đầu tại khu vực phía Nam, dự báo số ca mắc sẽ có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11, vì vậy, công tác chủ động triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết (SXH) ngay từ đầu mùa dịch là rất quan trọng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 692 ca mắc SXH, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thời tiết nắng mưa thất thường, nhất là tại miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao, khiến cho môi trường sống của muỗi SXH phát triển. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị cần tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống SXH.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, dù mới đầu hè nhưng bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc SXH.
Bệnh nhân N.T.M.D. (42 tuổi) bị SXH nhưng không biết, chỉ vào viện sau khi sốt liên tục suốt 4 ngày trong tình trạng sốt cao 40 – 41 độ C, mệt mỏi, rải rác ban xuất huyết nhỏ lấm tấm như đinh ghim 2 cổ chân. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm (bạch cầu 2 G/L, tiểu cầu 106 G/L), men gan tăng nhẹ (SGOT 45,2 U/l). Người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị SXH theo phác đồ của Bộ Y tế.
Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), tình trạng người bệnh đã ổn định, hết sốt, các chỉ số xét nghiệm đã trở lại bình thường. Người bệnh được chỉ định cho ra viện. BSCKI Nguyễn Thị Thúy Liên - Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, bệnh nhân trên là một trong số rất nhiều ca bệnh SXH nhưng không nhận biết từ sớm do các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn nhẹ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt thông thường khác.
SXH là bệnh truyền nhiễm, gây nên bởi virus Dengue, bệnh lây truyền qua véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn (hay còn gọi là muỗi nhà). Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, đau đầu, mỏi người. Bệnh chia ra 3 mức độ từ nhẹ đến nặng gồm SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Theo BS Hà Huy Tình - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa – Hà Nội), thực tế điều trị cho thấy rất nhiều người dân do chủ quan nên đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng, gây khó khăn cho điều trị và ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe.
BS Tình cho biết, khi mới bắt đầu mắc SXH, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau… Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…
Bên cạnh đó, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Việc thăm khám muộn rất nguy hiểm, bởi giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…), trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Do vậy khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.
Nhiều bệnh nhân sốt cao đến viện thăm khám khi bác sĩ thông báo bị SXH thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng họ đã từng mắc rồi nên sẽ không mắc lại nữa, nên coi thường các biện pháp dự phòng. Tuy nhiên, SXH có 4 chủng khác nhau được ký hiệu (D1, D2, D3, D4) nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác, tức mỗi người vẫn có thể mắc tới 4 lần SXH trong đời. Thực tế tại Khoa Truyền nhiễm ( Bệnh viện đa khoa Đống Đa) các bác sĩ đã ghi nhận những bệnh nhân mắc 2, 3 lần SXH.
Do vậy, khi nghi ngờ mắc SXH bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám. Không có diễn biến bất thường cũng cần thăm khám lại theo hẹn của bác sĩ.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH ngay từ thời điểm này để ngăn chặn dịch bùng phát, trong đó, chú ý các hoạt động như ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà; ngăn không cho muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…
Theo BS Hà Huy Tình - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội), khi có vấn đề về sức khỏe, người dân cần đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân, kiểm tra kỹ các dấu hiệu cảnh báo… Khi bị sốt cần uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý tăng hay bớt liều, SXH chống chỉ định với corticoid do vậy không được tự ý sử dụng loại thuốc này.