“Không chuyên nghiệp” là cái bóng đã đeo đuổi bóng đá Việt Nam suốt những năm gắn mác chuyên nghiệp dù mọi bên cố gắng xây dựng hình ảnh tốt thế nào đi chăng nữa. Mới đây, chuyện các cầu thủ chuyên nghiệp đi đá bóng phong trào (đá phủi) dù không mới nhưng đã lên đến cao trào, tạo thành giọt nước tràn ly đáng báo động trong các CLB V.League.
Những trường hợp đáng tiếc
Trung vệ Nguyễn Hữu Tuấn là tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam, là đội phó của CLB TP HCM và từng được HLV Park Hang-seo gọi lên tuyển Việt Nam. Nhưng giờ, cầu thủ 28 tuổi này phải dọn ra khỏi khu tập trung của CLB, không được tập luyện cùng đồng đội từ nay đến hết năm 2020.
Với một cầu thủ chuyên nghiệp, đó là án phạt nội bộ nặng nhất có thể, không khác gì một án treo giò dài ngày giáng xuống đầu. Nhưng Hữu Tuấn chỉ có thể trách bản thân chứ chẳng thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác khi mọi chuyện phải đi đến nước này. Nếu anh chịu suy nghĩ chín chắn hơn, nghĩ cho bản thân cũng như đội bóng chủ quản nhiều hơn, chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
Mọi chuyện xuất phát từ khi CLB TP HCM phát hiện Hữu Tuấn đá phủi sau trận tứ kết Cúp Quốc gia 2020 với CLB Bà Rịa -Vũng Tàu. Khi đó, tuyển thủ sinh năm 1992 đang chấn thương, nhưng vẫn ra sân nên bị tái phát. HLV Chung Hae-seong lập tức kỷ luật anh và báo cáo lãnh đạo CLB để có hình thức quản lý các cầu thủ còn lại.
Nhưng không những không sửa sai, Hữu Tuấn tiếp tục ra sân thi đấu ở giải phủi tại TP HCM cùng lúc CLB chủ quản có trận đấu với CLB Hà Nội. Trước đó, HLV Chung Hae-seong cho cầu thủ này quay lại tập luyện cùng đội, nhưng Hữu Tuấn tái phạm trong lúc đang được thử thách. HLV người Hàn Quốc chia sẻ trong thất vọng: “Tôi không hiểu sao cầu thủ chuyên nghiệp lại thiếu chuyên nghiệp như vậy. Cậu ấy đá như vậy được bao nhiêu tiền, nếu dính chấn thương thì ai chịu trách nhiệm”.
Không đến mức đối diện nguy cơ bị CLB TP HCM thanh lý hợp đồng như Hữu Tuấn, một ngôi sao khác của tuyển Việt Nam là Nguyễn Tiến Linh “chỉ” bị Becamex Bình Dương nhắc nhở khi tự ý tham gia vào đội bóng đá phủi mà không xin phép CLB chủ quản.
Dù mục đích của đội bóng phủi mà Tiến Linh tham gia chỉ là phát triển phong trào thể thao trong giới nghệ sĩ song song với các chương trình vì cộng đồng nhưng cả bên đội bóng lẫn bản thân Tiến Linh đều “ngô nghê” đến mức không xin phép B.Bình Dương. Tiền đạo 23 tuổi thực sự chưa ý thức được chữ chuyên nghiệp mà mình đang gánh trên vai.
Nhìn sang thế giới
Hữu Tuấn, Tiến Linh không phải trường hợp hiếm hoi của V.League có liên quan tới bóng đá phủi, họ chỉ là những người nhận án phạt đầu tiên mà thôi. Trước đó, hình ảnh của Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội), Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức (CLB Viettel)... đã quá quen thuộc với khán giả phủi toàn quốc.
Sự thiếu cứng rắn trong quản lý cầu thủ từ trước tới nay của các CLB V.League đã chạm tới giới hạn, dẫn tới hành động mạnh mẽ của CLB TP HCM khi yêu cầu các cầu thủ phải ký vào bản cam kết thực hiện Thông báo số 009 được ban hành ngày 30/9 có nội dung: Cầu thủ tự ý đá phủi mà không có sự cho phép của HLV Chung Hae-seong sẽ bị trừ 30% chi phí lót tay, cắt thưởng 3 trận đấu liên tiếp. Nếu cầu thủ đá phủi không phép dính chấn thương sẽ tự chi trả phí điều trị, đồng thời không nhận lương và phụ cấp khi điều trị chấn thương.
Với bóng đá trong nước, đây có thể là một hành động cứng rắn nhưng trên thực tế, đây là điều quá bình thường trong thế giới chuyên nghiệp mà chúng ta đang hướng tới. Ở các đội bóng châu Âu, đặc biệt là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới như Ngoại hạng Anh, quy định ràng buộc giữa cầu thủ và đội bóng chủ quản chặt chẽ đến nghẹt thở.
Đừng nói là ra ngoài làm việc đúng chuyên môn như đá bóng, kể cả không dính dáng đến chuyên môn nhưng không được phép của CLB thì cũng vi phạm. Đôi chân cầu thủ quý giá đến mức phải gắn trách nhiệm lên các bên liên quan. Như Manchester United từng yêu cầu bắt buộc Radamel Falcao không được tự ý lái xe hay làm gì gây tổn hại đến đầu gối. Nếu cầu thủ không giải thích được lý do bị chấn thương, họ không những phải tự chữa trị mà còn nộp phạt. Vậy mới nói để đi được đến mức chuyên nghiệp thực sự, chúng ta vẫn phải vừa tiến vừa ngước.