Cũng đã hơn 3 tháng mắc kẹt nơi đất khách quê người giữa tâm dịch Covid-19, nhiều du học sinh kể lại rằng, cuộc sống của các em gặp rất nhiều khó khăn. Từ học hành, làm thêm đến mọi nhu cầu vui chơi giải trí tối thiểu đều bị đảo lộn…
Ở lại khi mọi thứ đều “lockdown”
Lo lắng, nhớ nhà, thiếu nhiều thứ là tâm trạng của nhiều du học sinh tại thời điểm này, tuy nhiên, rất nhiều bạn không lựa chọn phương án trở về quê hương Việt Nam lúc này vì rất nhiều lý do, trong đó lý do không muốn mình trở thành nguồn lây bệnh, là gánh nặng cho Tổ quốc mình. Lê Trung Đức- sinh viên ngành kinh tế tại Trường Đại học HTW Berlin, Đức, chia sẻ, tôi không chọn trở về lúc này bởi việc học hành của tôi còn dở dang. Xem những dòng tin trong nước thấy đất nước mình nồng nhiệt đón những đứa con xa rồi chăm sóc tận tình, tôi rất cảm động và tự hào nhưng cũng không khỏi lo lắng. Lo lắng vì Việt Nam còn nghèo lắm, tôi không muốn trở thành gánh nặng vì dẫu sao trở về ở trong khu cách ly là cũng đã làm phiền nhiều người.
Nhưng trụ lại nơi đất khách khi mà mọi thứ đều lockdown (khóa) thật không đơn giản. “Tôi làm thu ngân bán thời gian tại một siêu thị nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, siêu thị chỉ được mở trong một khung giờ nhất định, kéo theo hàng loạt nhân viên bị cho nghỉ việc. Mất việc làm, sinh viên xa nhà gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền nhà”- Đức cho biết. Nhưng may mắn là chính phủ Đức đã đưa ra gói hỗ trợ hoãn hạn tiền nhà trong 3 tháng. Người thuê nhà được yêu cầu chi trả mọi chi phí vào đầu tháng 6.
Ngô Thu Vân là sinh viên năm cuối chuyên ngành Marketing tại Đại học Đảo Hoàng tử Edward, Canada. Theo dự tính, Vân sẽ tốt nghiệp vào tháng 5 vừa rồi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 khiến lễ tốt nghiệp bị hoãn vô thời hạn. Vân cho biết, cô cảm thấy hụt hẫng vì lỡ cơ hội bước trên sân khấu và nhận bằng ngày tốt nghiệp. Giữa những rối ren của dịch bệnh, Vân không biết nên làm gì và trông chờ vào điều gì nơi xứ người. Xa gia đình và phải sống giữa đại dịch là một trải nghiệm vô cùng khó khăn với em.
Tuy nhiên, Vân vẫn cảm thấy an toàn khi sinh sống và học tập tại Đảo Hoàng tử Edward, bởi những nỗ lực và sự phản hồi nhanh chóng của chính quyền bang nói riêng và Chính phủ Canada nói chung trước các diễn biến của dịch, từ hỗ trợ kinh tế, y tế và các đảm bảo an toàn giãn cách xã hội.
Vân cũng cho biết trường đại học mà em đang theo học đã có những chính sách hợp lý để hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên, đặc biệt là du học sinh. Trường cũng đã chuyển toàn bộ chương trình học thành trực tuyến, duy trì các dịch vụ trong ký túc xá và hỗ trợ để sinh viên năm cuối như bọn em có thể tốt nghiệp đúng thời hạn. Không chỉ những sinh viên năm cuối như chúng em mới nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Canada, mà với những sinh viên đi làm thêm trước đây nếu mất việc bởi Covid-19 cũng nhận được hỗ trợ để họ có thể vượt qua đại dịch.
Dựa vào nhau vượt qua đại dịch
Không may mắn nhận được các khoản hỗ trợ từ Chính phủ như các du học sinh ở Canada, Đức hiện các du học sinh Việt Nam đang học tập ở Úc như ngồi trên lửa khi Thủ tướng Scott Morrison khuyến cáo khách du lịch và sinh viên nước ngoài nên sớm rời Úc nếu không còn khả năng trang trải chi phí trong bối cảnh nước này phải huy động mọi nguồn lực để chống dịch Covid-19.
Lưu Ngọc Thương Huyền- một sinh viên ngành công nghệ thông tin ở Melbourne, Úc chia sẻ, du học sinh chủ yếu thu nhập thêm từ các tiệm nail, quán ăn, quán cà phê, tuy nhiên hầu hết các loại hình dịch vụ này đều đóng cửa khiến sinh viên lâm vào cảnh khó khăn. Thật ra, khi đi học, gia đình đều phải chứng minh tài chính, nghĩa là họ phải có điều kiện, nhưng chi phí ăn ở tại Úc rất đắt đỏ, nếu chỉ trông vào nguồn hỗ trợ từ gia đình thì không đủ, lại tạo áp lực cho bố mẹ nên ai cũng phải đi làm thêm. “Giờ công việc làm thêm khó khăn, ở hay về cũng đều rất dở dang”- Huyền chia sẻ.
Các em du học sinh sẽ không cô đơn nơi đất khách, Tiên Nguyễn- thành viên Hội đồng của Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc (VASA) cho biết. Theo đó, hiện tại Chính phủ liên bang không có chương trình hỗ trợ tài chính cho khách du lịch và du học sinh. Tuy nhiên, Chính phủ các tiểu bang và các trường học vẫn có thể tự đưa ra các động thái hỗ trợ, nếu nhận được kiến nghị từ số đông.
Từ lúc Thủ tướng Úc Scott Morisson đưa ra khuyến cáo (trong đó có nhấn mạnh rằng nếu du học sinh cảm thấy rằng không đủ khả năng sinh sống tại Úc thì nên về nhà và cả những người đang du lịch ở Úc cũng vậy), đã có nhiều du học sinh liên hệ đến VASA bày tỏ sự lo lắng. Theo chị Tiên Nguyễn, mọi người đều chưa muốn về Việt Nam trong lúc này bởi sẽ thêm gánh nặng cho nước nhà, lại dở dang cả chuyện học hành. “Hiện tại, VASA đã tổ chức đợt viện trợ đầu tiên cho các bạn du học sinh chưa có thường trú Úc (Permanent Resident). Mình biết các bạn ấy đang phải rất chật vật trong mùa dịch này”.
Được biết, VASA đã quyên góp được 22.000 AUD trong đợt gần đây nhất từ các Mạnh thường quân người Việt đang sinh sống tại Úc (những người đã có quốc tịch hoặc thường trú dân). Với số tiền này, chị Tiên Nguyễn cho biết có thể đủ để tổ chức thêm đợt hỗ trợ thứ ba. Du học sinh, sinh viên nào khó khăn chỉ cần đăng ký, sẽ có người vận chuyển thực phẩm hỗ trợ đến tận nơi, an toàn và tránh tụ tập đông người.
Cộng đồng người Việt cũng đang có những động thái sẻ chia, hỗ trợ nhau hết mực để cùng vượt qua mùa dịch Covid-19. Trên các nhóm, hội cộng đồng người Việt tại Úc, nhiều cá nhân đã tự nguyện mở các chương trình tặng thức ăn, nhu yếu phẩm không chỉ cho du học sinh mà còn cho những người lao động khó khăn.
Chị Thảo Hoàng, hiện sinh sống tại Melbourne, đã đăng bài trấn an mọi người. Chị cho biết sẽ bắt đầu nấu cơm để phát miễn phí cho những ai cần giúp đỡ. “Điều tốt nhất mình thấy cần làm lúc này là cộng đồng người Việt tự giúp nhau trước và bao bọc lấy nhau. Rất nhiều gia đình người Việt bên này đã góp tiền, góp gạo, nấu đồ ăn cho người khó khăn. Từ đầu tuần sau mình sẽ bắt đầu nấu ăn với số lượng khẩu phần lớn để tặng miễn phí cho những người Việt đang thất nghiệp, du học sinh khó khăn”- chị Thảo Hoàng nói.
Có thể nói, những hành động của người Việt ở nước ngoài thật đáng trân quý và ý nghĩa. Mong rằng sự tương trợ lẫn nhau này sẽ luôn được tiếp tục đến với những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn lúc này để vượt qua đại dịch.