Trong lớp nhà văn đương đại, Lê Minh Khuê là nữ nhà văn chuyên viết truyện ngắn và truyện vừa. Dấu ấn của bà để lại trong địa hạt này đủ để gây nhớ trong lòng bạn đọc, bạn viết.
Tác phẩm của Lê Minh Khuê cũng đủ hấp dẫn và thuyết phục để các nhà biên soạn lựa chọn đưa vào sách giáo khoa. Lê Minh Khuê đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, thậm chí cách đây khoảng 4 năm, bà đã tự tay tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu để làm tuyển tập dày hơn 1.000 trang.
Bà cũng đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương. Năm 2012, bà được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2019 nhà văn Lê Minh Khuê lại vinh dự được trao hai giải thưởng văn học, đó là Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông Nam Á cho tập truyện ngắn “Làn gió chảy qua”, và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu văn học trọn đời.
Đến với văn chương từ năm 1969, với đề tài chính xoay quanh những câu chuyện chiến tranh gắn với lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Sau đó, quãng năm 1984, nhà văn bắt đầu tìm mình trong những đề tài mới, xoáy sâu vào những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
Chậm rãi và “không kỳ vọng gì” ở văn chương, thậm chí nữ nhà văn thường coi văn chương đó là “công việc chứ không phải sự nghiệp”, nhưng nhắc tới văn học đương đại Việt Nam không thể không nhắc đến Lê Minh Khuê - người mà nhà văn Hồ Anh Thái ví von là “bà trùm truyện ngắn”.
* Từ thời trẻ đến bây giờ tôi chỉ nghĩ một điều: Viết cho cẩn thận. Nên cẩn thận từ dấu chấm, dấu phẩy. Để làm nên một phong cách, thậm chí là có sự khác biệt, để những độc giả yêu quý của mình có thể nhận ra tác phẩm dù không in tên. Đó là việc rất khó. Tôi quan niệm như vậy nhưng chắc chưa làm được nhiều.
* Tôi luôn cho rằng, tuổi trẻ là khoảng thời gian quý giá nhất mà ông trời ban cho mỗi người, bao nhiêu tiền cũng không thể đánh đổi. Tôi cũng viết rất nhiều về tuổi trẻ, cả thời chiến và hậu chiến, câu chuyện về những người trẻ với trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, đó là vẻ đẹp của mọi thời đại.
* Thực ra đề tài chiến tranh khó viết lắm. Có nhiều tiểu thuyết chỉ miêu tả trận đánh viết cũng đã khó, còn để gọi là tác phẩm văn học viết về chiến tranh lại càng khó. Tôi rất ít khi viết là vì thế. Truyện “Những ngôi sao xa xôi” tôi viết năm 19 tuổi, một thời gian dài tôi không thích truyện ấy, nhưng sau này đọc lại thì lại thấy ưng. Nó tiêu biểu cho một thế hệ trong chiến tranh. Rất dũng cảm. Bây giờ có thể người ta nhìn khác, nhưng ngày ấy họ sống thế.
Giải thưởng giúp tôi có nghị lực hơn vì được đánh giá xứng đáng. Nhưng giải thưởng là dành cho một việc đã hoàn thành, không trông mong vì có giải thưởng mà không làm việc tiếp. Giải thưởng đầu tiên của tôi cũng vui nhưng là một cú hích thì không. Tính tôi khá bình thản trước mọi việc, không bao giờ bị sốc trước thành công hay thất bại. Tôi bước sâu vào con đường văn chương là do tôi yêu thích nó.
LÊ MINH KHUÊ
* Văn chương - tôi gọi đó là công việc, chứ không phải sự nghiệp. Công việc có một chút thành công. Tôi không kỳ vọng gì ở văn chương. Mà thực ra văn chương cũng chưa bao giờ thay đổi được gì. Ngày xưa văn chương quan trọng, nhưng bây giờ thì không. Nhưng tôi vẫn thích viết, vì đó là ý thích. Đó là cách để mình nói những điều mình nghĩ.
* Tôi nghĩ văn chương không lệ thuộc vào số tác phẩm. Quan trọng là mỗi khi viết ra, người viết nói được cái gì mới, không đơn thuần chỉ là giải trí. Viết giải trí cũng không dễ, tôi thấy mình không giỏi viết giải trí. Tôi thích văn chương có những ý tưởng nghiêm túc hơn, có thể ít bạn đọc nhưng đó là cái tạng của mình. Một nhà văn bạn tôi có đề cập, đó là sự phản biện của trí thức trước các vấn đề của cuộc sống.
* Nhà văn thế hệ trước viết dưới một ánh sáng vĩnh cửu. Họ nghĩ đến một sự khẳng định, một vị trí tất yếu trong tương lai. Còn mình, chỉ viết cho giây phút này, cho ngày hôm nay. Viết cũng như là sống vậy. Biết ngày mai người ta có đọc mình hay không? Nhà văn trước kia có thể viết rồi cất vào ngăn kéo và hy vọng giá trị của nó trong tương lai. Còn mình viết ra, chỉ mong có bạn bè thân thiết, con mình đọc, tại thời điểm này, là thắng rồi. Làm sao bắt số đông phải quan tâm đến mình được?
* Tôi quan niệm văn chương phải mang dấu ấn của người viết. Mỗi nhà văn phải có ngôn ngữ giọng điệu riêng không lẫn với người nào càng tốt. Mỗi khi viết tôi chú trọng chi tiết, cách nói năng, cách ứng xử của nhân vật, không để nó quá là “của mình” - nghĩa là nhà văn và nhân vật phải có khoảng cách. Nhân vật sống đời sống của nó, nhà văn đứng ở xa quan sát. Tạo được cách viết này cũng là tạo được một phong cách.
* Tôi muốn người đọc đọc tác phẩm của mình thấy được trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng lãng mạn. Và đâu đó vẫn tồn tại những tính cách nguyên thủy nhất để con người không bị đẩy lùi về phía bóng tối.
* Giải thưởng giúp tôi có nghị lực hơn vì được đánh giá xứng đáng. Nhưng giải thưởng là dành cho một việc đã hoàn thành, không trông mong vì có giải thưởng mà không làm việc tiếp. Giải thưởng đầu tiên của tôi cũng vui nhưng là một cú hích thì không. Tính tôi khá bình thản trước mọi việc, không bao giờ bị sốc trước thành công hay thất bại. Tôi bước sâu vào con đường văn chương là do tôi yêu thích nó.
* Tôi làm việc khá tùy hứng. Một người phụ nữ trong gia đình không phải lúc nào cũng đặt giờ giấc cho sáng tác trong ngày. Bao nhiêu việc không tên luôn chờ ta. Và phải làm tốt việc gia đình đã. Lúc nào thật rảnh rỗi thì viết.
* Có những thần tượng cho từng thời kỳ, nhất là thời tôi đọc sách nhiều. Nhưng không nên nghĩ đến thần tượng đó khi viết lách. Đó là thành công của người ta. Là phong cách của người ta. Khi làm việc hãy tự đi con đường riêng. Tôi nghĩ cũng có thể có ảnh hưởng, nó phảng phất thôi, chứ không nên để cái bóng thần tượng đè nặng lên mình. Khi viết xong nên đọc lại cho cẩn thận, nếu thấy giống giống gì đó thì nên bỏ đi.
* Từ trẻ tới giờ tôi không có kế hoạch viết lâu dài gì. Viết được gì thì viết thôi.
* Sức ì của tôi mạnh lắm. Tôi kệ, ai muốn làm gì thì làm. Thực ra văn chương là do mình thích thì mình viết thôi.
* Thời buổi này ai người ta đọc văn… Sách văn chương đôi khi chỉ nghìn cuốn, rất ít người đọc. Nhưng tôi vẫn tin vào văn học đích thực, ít người đọc nhưng đã đọc là chia sẻ thực sự. Chỉ cần 10 người tâm huyết với mình, tôi vẫn viết.
Không còn ai đọc tôi vẫn viết. Mình thích thì mình viết thôi.
* Bây giờ nhà văn thì ít, tác giả thì nhiều. Tác phẩm của anh sống được hay không là do tự thân nó.
Uy tín, thương hiệu thì cũng cần phải sống. Độc giả cũng nên tỉnh táo chấp nhận cả 2 loại sách: sách "phong trào" và tác phẩm.
* Tôi rất phục người làm thơ, cả đời tôi chưa làm nổi một câu thơ nào cả. Tôi dành cho truyện ngắn. Viết truyện ngắn khó lắm, vì truyện ngắn rất gần với thơ... Truyện ngắn bắt người viết phải kìm nén, không nói lan man, nói ra tất cả mọi thứ, để hướng người đọc vào một quan điểm, một tư tưởng của người viết, nên không được viết dài sẽ làm nó loãng ra, mất đi hiệu quả.
* Đọc để biết thế giới. Đọc để biết những gì mình không biết.
Tôi thấy người viết không nên nạp quá nhiều những thứ lặt vặt vào đầu, cho dù nó hấp dẫn thật. Tôi cũng từng nhiều lần khuyên những người viết trẻ đừng nên mất thời gian vào những chuyện như thế, những chuyện hấp dẫn mà chả cho mình một chút cảm xúc nào.
* Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất của nhà văn là nội lực. Có nội lực rồi thì viết không cần cố gắng gồng mình, chỉ cần cẩn thận để không bị tự lặp lại, không hời hợt. Không nên viết ra những điều vô nghĩa. Đó là lý do vì sao tôi viết không nhiều và cũng chỉ hài lòng với rất ít tập truyện ngắn mình đã in.