Kinh tế

Không còn cảnh xếp hàng dài trước ATM

T.Hằng 03/02/2024 10:47

Những ngày cận Tết, các cây ATM ở Hà Nội không còn tái diễn cảnh dòng người xếp hàng chờ rút tiền. Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến đã dẫn tới sự thay đổi đáng mừng này.

anh-thay-bai-tren.jpg
Thêm nhiều dịch vụ thanh toán, việc rút tiền ở cây ATM giảm. Nguồn: TTXVN.

Cách đây 3 năm, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid -19, cứ cận kề tết Nguyên đán, lượng người rút tiền tại các cây ATM ở Hà Nội tăng đột biến, muốn rút được tiền phải xếp hàng chờ đợi khá lâu. Nhưng năm nay, theo ghi nhận của phóng viên, các cây ATM thưa thớt người rút tiền. Chẳng hạn tại cây ATM Techcombank ở đường Ngọc Lâm, 9 giờ sáng ngày 2/2 chỉ có lác đác 2-3 người rút tiền.

Hay ở cây ATM khác của Vietcombank ở chân tòa Comatce Tower số 61 Ngụy Như - Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lúc 10 giờ sáng ngày 2/2 cũng thưa thớt người đến giao dịch. Nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, tháng cao điểm này mới có khoảng 15 - 20 người đến rút tiền, những tháng trước ít hơn.

Cây ATM TPBank nằm gần chợ Hà Đông và tòa nhà chung cư Hud 3 Tower, cho phép khách mở tài khoản và trả ngay thẻ vật lý. Khi cần hỗ trợ dịch vụ, khách hàng có thể trao đổi trực tiếp nhân viên ngân hàng qua màn hình. Tuy nhiên, chỉ có 1 người đến đây giao dịch.

Có thể nhận thấy rằng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng lên cao đã khiến cho việc rút tiền tại cây ATM giảm mạnh.

Chị Nguyễn Thanh Huyền - chủ một cửa hàng bán nông sản sạch ở toà nhà The Tera An Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Nếu như trước khách hàng toàn trả tiền mặt thì nay chủ yếu họ thanh toán bằng cách chuyển khoản và quét mã QR code. “Tối qua tôi mới đến cây ATM để nộp tiền vào tài khoản, thanh toán tiền bằng chuyển khoản chứ cầm tiền mặt sợ rơi, sợ mất lắm” - chị Huyền nói.

Nhiều người dân cũng khẳng định, mua mớ rau, mua đồ lặt vặt chỉ cần dùng điện thoại, không có nhu cầu để tiền mặt trong túi. Đây là nguyên nhân lý giải cho việc cây ATM đỡ phần nào cảnh xếp hàng chờ rút tiền ngày tết.

Cũng theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 24/7, thanh toán quét mã QR.

Riêng trong năm 2023, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch. Tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Trong khi đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS thông tin, NAPAS đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo đáp ứng năng lực xử lý của hệ thống, tăng cường công tác giám sát vận hành, đảm bảo hoạt động liên tục. Đồng thời, NAPAS tiếp tục thực hiện chính sách giảm phí, triển khai các chương trình truyền thông, marketing để cùng với các ngân hàng phát triển thị trường, góp phần mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng.

Trong đó, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56% về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước). Giá trị giao dịch qua ATM khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với năm 2022.

Đáng chú ý, có khoảng 49 triệu tỷ đồng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua điện thoại di động trong năm qua, cho thấy số dư trong tài khoản thanh toán người dân khá lớn. Vì thế, nhiều ngân hàng đã có chiến lược để thu hút lượng tiền nhàn rỗi này.

Để có được kết quả như vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính, ứng dụng thanh toán đã đưa ra hàng loạt ưu đãi cho người tiêu dùng thông qua các chương trình tặng thưởng, chiết khấu khi thanh toán không tiền mặt.

Thậm chí, ngay cả khi không được ưu đãi, nhiều người dân vẫn chuộng việc sử dụng ứng dụng thanh toán vì sự tiện lợi và an toàn. Các cửa hiệu, nhà hàng dọc các con phố lớn, hay tại các chợ dân sinh, cũng đều đã cho phép người dùng thanh toán bằng mã QR, hoặc chuyển khoản.

Đồng thời, các ngân hàng đẩy mạnh chiến lược số, nên tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên tới 40%, giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn đầu vào, từ đó có cơ sở để thực hiện các chính sách giảm lãi suất cho vay đầu ra.

Riêng trong năm 2023, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch. Tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Trong khi đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không còn cảnh xếp hàng dài trước ATM

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO