Bình luận về quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ĐBQH Lê Thanh Vân rất hoan nghênh việc ban hành quy định này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu muốn “làm ra tấm ra món” để nhân dân tin tưởng thì Đảng phải chọn được một đội ngũ tham mưu, bao gồm những người thật sự tinh túy, những người có bàn tay sắt và bàn tay ấy phải sạch.
Thực ra, việc đưa quy định kiểm tra, giám sát tài sản quan chức chính là một bước cụ thể hóa Luật Phòng chống tham nhũng vốn đã có hiệu lực từ lâu. Và, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản chính là con đường ngắn nhất dẫn đến minh bạch hóa, công khai hóa tài sản quan chức- điều mà lâu nay cử tri và nhân dân đã nói nhiều.
Nội dung của quy định này thì có nhiều nhưng tựu trung lại ở mấy điểm đáng chú ý: Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; việc giải trình biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.
Đối với việc kiểm tra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương được quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ được kiểm tra.
Xác minh, kết luận về sự trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai, tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản.
Đối với việc giám sát, ngoài Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt cũng sẽ tham gia giám sát, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Và, ở đây cũng không thể không nói đến quyền giám sát, phát hiện của cử tri và nhân dân cũng như MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Quy định của Bộ Chính trị được nhiều người đánh giá như một bước đột phá. Người trong diện phải kê khai và phải chịu sự kiểm tra, giám sát giờ đây được chỉ đích danh là các công bộc, quan chức ở cấp cao- những người mà xưa nay vốn được cho là có quyền cao, chức trọng và là một “thành trì” mà cấp dưới hết sức ngại ngùng khi đụng vào; còn đồng cấp thì nể nang, ngại va chạm. Quy định của Bộ Chính trị vì thế được xem như một hồi trống lệnh cho quá trình công khai minh bạch trở nên thực chất hơn.
Còn nhớ, tại QH khóa XIII, ĐBQH Lê Như Tiến đã từng thẳng thắn phát biểu: “Nếu chúng ta không chặn đứng và đảy lùi tham nhũng thì có nguy cơ quốc nạn hạ đo ván quốc sách”; và rằng “tham nhũng như căn bệnh trầm kha.
Đã là trọng bệnh thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da”. Cũng chính ông Tiến thời còn làm ĐBQH đã lên tiếng cảnh báo về sự dịch chuyển tài sản từ quan chức sang cho người nhà, người thân để đến mức những đứa con chưa đến tuổi thành niên, chưa có công ăn việc làm mà lại sở hữu những khối tài sản kếch xù.
Cùng với sự cảnh báo đó là sự cảnh báo việc kê khai tài sản của chúng ta đang có những lỗ hổng chết người để những đối tượng tham nhũng nhờ thế mà khoét vào và tẩu tán tài sản.
Vì thế, ĐBQH Lê Thanh Vân đã bày tỏ sự ủng hộ việc Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản kể trên như một bước thể hiện quyết tâm của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian qua. Vấn đề còn lại giờ chỉ là làm thế nào cho hiệu quả, để không phải là chuyện “đánh trống bỏ dùi”.
Thừa nhận kê khai tài sản như một giải pháp phòng tham nhũng nhưng bà Lê Thị Thủy- Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra trung ương cũng thừa nhận, biện pháp này vẫn được đánh giá là chưa hiệu quả bởi có nguyên nhân việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát. Có rồi, nhưng chưa thành hệ thống bài bản.
Về phần mình, ông Lê Thanh Vân đưa ra nhận định, “nếu không có các biện pháp buộc giải trình nguồn gốc tài sản và xử lý tài sản không giải trình rõ được nguồn gốc thì đúng là còn băn khoăn về hiệu quả của việc giám sát, kiểm soát tài sản”.
Thực tế thì, quy trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cũng giống như quy trình kiểm tra giám sát của Đảng lâu nay. Sau khi làm xong, UB Kiểm tra trung ương sẽ có thông cáo và công khai rất đầy đủ để trên cơ sở đó các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi; đồng thời các tổ chức, cá nhân, nhân dân biết có việc như thế- theo như lời bà Thủy chia sẻ.
Nghĩa là, trên cơ sở việc kiểm tra, giám sát; lần này bản kê khai tài sản của những người nhận được yêu cầu kiểm tra sẽ được công khai để nhân dân, cử tri và báo chí biết và giám sát xem việc kê khai và việc kiểm tra, giám sát có đúng hay không?
Xem chừng, quy trình khá là chặt chẽ. Nhưng, ngay cả trong sự chặt chẽ ấy cũng không thể đoan chắc người ta có tìm cách lách luật hay không? Bởi vì, người bị kiểm tra và người đi kiểm tra cùng trong một hệ thống, có sự quen biết và nể nang nhất định như đã nói ở trên- thế thì sẽ rất khó để minh bạch thật sự ngay cả khi công khai.
Có lẽ chính vì lý do này, ĐBQH Lê Thanh Vân mong muốn có bàn tay sắt và bàn tay sạch trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Như thế mới đi từ kỳ vọng đến hiện thực trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của quan chức.