Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 bùng phát khó lường, thời gian qua Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với nỗ lực cao nhất trong thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cho đến nay nhiều địa phương, đặc biệt nhất là TP Hồ Chí Minh, nơi tâm dịch của cả nước đã bước đầu kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh, kéo giảm số ca nhiễm mới và chữa khỏi bệnh cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.
Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, bùng phát, cả hệ thống chính trị tại TP HCM đã đặt quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Cùng đó, thành phố nỗ lực hỗ trợ kịp thời người dân mưu sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chỉ tính riêng trong đợt 1, thành phố đã hỗ trợ 365.300 lao động tự do với kinh phí 576 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trong đợt 2, thành phố mở rộng đối tượng hỗ trợ, với kinh phí hơn 900 tỷ đồng, với khoảng 365.000 lao động tự do được hỗ trợ ở mức 1,5 triệu đồng/người/30 ngày giãn cách. Đánh giá về kết quả triển khai đợt 1, TP HCM đã thực hiện đúng lời hứa với dân khi Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đến từng nhà dân, đến từng hộ, từng nhà trọ trao tiền trực tiếp cho người nghèo, là đối tượng thụ hưởng gói cứu trợ đột xuất 1.000 tỷ đồng, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu thành phố.
Thành phố sẽ nỗ lực để không một lao động nào trên địa bàn rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ. Ở từng khu phố, ấp, tổ dân phố sẽ họp xét danh sách hỗ trợ, có cả công an khu vực tham gia và ai có cư trú hợp pháp sẽ được hỗ trợ.
Không chỉ đối với công tác hỗ trợ, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tinh thần của Nghị quyết 86/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 6/8/2021, đã đặt ra những dự báo trong giai đoạn tiếp theo phòng chống dịch Covid-19. Đó là khả năng tác động, bùng phát của dịch bệnh có thể còn lớn hơn nhiều lần nữa, nếu chúng ta không kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt. Việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân được đặt lên trên hết, trước hết. Mọi người bị mắc bệnh dịch đều phải được tiếp cận sự chăm sóc y tế kịp thời.
Điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu tiên quyết mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ngay từ đầu đợt bùng phát dịch thứ tư, đó là tiếp tục “chống dịch như chống giặc” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người bị nhiễm bệnh phải được hệ thống y tế can thiệp kịp thời. Việc không để ai bị bỏ lại phía sau không chỉ dừng ở công tác chăm lo, hỗ trợ cho người dân tại các vùng dịch, mà gợi mở các địa phương thực hiện đồng thời nhiều nhóm giải pháp quyết liệt. Trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống dịch Covid-19, các địa phương vùng tâm dịch lớn của cả nước như TP HCM, Bình Dương, Long An,… phải chủ động bằng nhiều cách để có nguồn vaccine tiêm cho người dân, từ ngoại giao vaccine, tìm quan hệ, mở rộng đối tượng tìm kiếm, sản xuất vaccine trong nước đến chuyển giao công nghệ, để mọi người dân đều sớm được tiếp cận vaccine.
Ngoài nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành Trung ương, thì từng địa phương cũng phải linh động, sáng tạo những giải pháp, cách làm chủ động, với mục tiêu cao nhất là chăm lo cho dân, không để bất cứ người dân nào bị bỏ lại phía sau. Về vấn đề này, vừa qua Bộ Y tế đã gửi văn bản nhắc nhở UBND TP HCM về thời gian cụ thể của việc mua, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 như báo cáo, đề xuất trước đó với trung ương. Với tinh thần đó, TP HCM đang đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng, rút ngắn thời hạn tiếp nhận vaccine, tiếp tục tiêm chủng nhằm mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Tinh thần của Nghị quyết 86/NQ-CP là bộ, ban, ngành và địa phương cần chủ động trong phối kết hợp, trong đó vấn đề kinh phí mua vaccine để sớm tạo miễn dịch cộng đồng là chủ trương tiên quyết, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, đã rất rõ ràng và cụ thể.
Vấn đề cần làm ngay là cả Bộ Y tế và TP HCM cần sớm thống nhất một phương án cụ thể để nhanh chóng đảm bảo nguồn vaccine cho đợt tiêm chủng tiếp theo (đợt 6), đảm bảo sớm đạt mục tiêu miễn dịch cho toàn dân. Hơn bao giờ hết, trong điều kiện cấp bách chống dịch như hiện nay, cần phải có những quyết sách nhanh, chính xác, các giải pháp đồng bộ, có tính thực tiễn cao, để cả nước cùng chung tay chống dịch, và không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.