Không để bùng phát dịch ở Bệnh viện Phổi Hà Nội

Đ.Trân-L.Anh-T.GIANG-T.Luân 27/07/2021 07:31

Sáng 26/7, UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ban hành quyết định về việc thiết lập khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với Bệnh viện Phổi Hà Nội trong vòng 14 ngày, kể từ 18 giờ  ngày 25/7 cho đến khi có quyết định mới.

Phong tỏa Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: Phạm Sỹ.

Kịch bản cho từng tình huống

Tính đến trưa ngày 26/7, riêng tại Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội đã ghi nhận 26 ca mắc Covid-19, bao gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc BV Phổi Hà Nội nhận định, nguy cơ đối với BV đang rất cao, ngoài những ca F0, gần như toàn bộ BV đã trở thành F1. Bên cạnh đó, nơi khởi phát là Khoa Nội 3 - chủ yếu điều trị các bệnh về phổi, nang ngoài phổi, đây chính là đối tượng SARS-CoV-2 tấn công.

Theo ông Thường, hiện nguồn lây của các ca bệnh này chưa được xác định. Trước mắt, BV tập trung rà soát, truy vết các trường hợp liên quan, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, nhân viên và người nhà đang trong viện để đánh giá tình hình

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc BV Phổi Hà Nội cho biết, ngày 26/7, BV tiếp tục thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 100% cán bộ, nhân viên. Đối với những trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm ngày hôm trước vẫn tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2.

Trong sáng ngày 25/7, một số cán bộ nhân viên của BV Phổi đến làm việc được bố trí đi cửa riêng và được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngay để có kết quả sớm nhất. Tất cả những cán bộ, nhân viên của BV Phổi Hà Nội sẽ ở tại BV làm việc, khi nào đến thời điểm an toàn sẽ có phương án cụ thể tiếp theo.

“BV Phổi Hà Nội đã có những kịch bản cho từng tình huống, trong đó có kịch bản cho tình huống có ca dương tính bên trong BV. Nếu trong trường hợp phong tỏa, BV đã sẵn sàng các phương án cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư y tế để đảm bảo hoạt động làm việc của cán bộ nhân viên và công tác điều trị cho các bệnh nhân đang điều trị nội trú”, ông Chiến thông tin.

Nhằm ứng phó với tình hình cấp bách tại BV Phổi Hà Nội, trong ngày, Sở Y tế Hà Nội đã ra văn bản khẩn về việc tiếp nhận bệnh nhân của BV Phổi Hà Nội.

Văn bản nêu rõ, Sở Y tế nhận được công văn số 623/TB-BVPHN ngày 25/7/2021 của BV Phổi Hà Nội về việc phong tỏa Khoa Nội 3 - BV Phổi Hà Nội vì ca dương tính SARS-CoV-2, Sở Y tế đề nghị BV Phổi Hà Nội tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh thông thường từ 18h ngày 25/7/2021 cho đến khi BV đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch và có thông báo tiếp nhận bệnh nhân trở lại.

Sở Y tế cũng đề nghị, đối với bệnh nhân F0: Chuyển BV bệnh Nhiệt đới trung ương.

Đối với bệnh nhân đang điều trị ngoại trú, bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV chuyển đến khám bệnh, chữa bệnh tại BVĐK Saint Paul trong thời gian BV tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Chuyển toàn bộ bệnh nhân tại khoa hồi sức đến BVĐK Đức Giang. Chuyển toàn bộ bệnh nhân COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) đang điều trị nội trú đến BV Thanh Nhàn.

Sở Y tế Hà Nội đồng thời yêu cầu BVĐK Saint Paul, BVĐK Đức Giang, BV Thanh Nhàn sẵn sàng tổ chức tiếp nhận khám và điều trị liên tục cho người bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV Phổi Hà Nội.

Đánh giá về chùm ca bệnh tại BV Phổi Hà Nội, PGS.TS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV trung ương Quân đội 108 cho rằng: “Đối với những người mắc các vấn đề về phổi, nguy cơ sẽ rất cao khi mắc Covid-19 bởi lẽ phổi của họ đã bị tổn thương từ trước khi virus tấn công. Bên cạnh đó, theo tôi được biết, bệnh nhân tại đây có nhiều người cao tuổi. Nguy cơ chuyển nặng, tử vong lại cao hơn bình thường rất nhiều. Hiện nay, việc cần thiết nhất là xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, cán bộ, nhân viên y tế và cách ly kịp thời các ca F0. Nếu việc này làm không gấp rút và triệt để, khả năng dịch bệnh bùng phát trong nội bộ BV sẽ là rất lớn”.

Khu cách ly và điều trị F0 không triệu chứng của quận 5 (TP HCM).

Cách ly F0 để “giảm nhiệt” bệnh viện

Còn tại TP HCM, chia sẻ khó khăn và giảm tải cho các BV điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến trên, nhiều quận, huyện, thành phố đã tổ chức các khu cách ly và điều trị F0.

Trung tâm Y tế quận 5 vừa khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai chuyển đổi công năng của khu cách ly tập trung F1 tại Trường Trung học Sư phạm thực hành Sài Gòn thành khu cách ly tập trung, chăm sóc điều trị các ca nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng trên địa bàn quận.

Khu cách ly F0 không triệu chứng này có quy mô 300 giường, trong đó 200 giường thu dung các trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính, 100 giường thu dung các trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.

Khu cách ly này còn có thêm một phòng cấp cứu với 10 giường để xử trí các tình huống người bệnh có bệnh nền hoặc F0 chuyển thành có triệu chứng. Hiện tại, phòng cấp cứu đã đi vào hoạt động do nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận 5 phụ trách.

Tương tự, quận Phú Nhuận cũng tổ chức khu thu dung bệnh nhân mắc Covid-19 tại sân bóng đá ở phường 9, được chia làm 3 khu chính. Cụ thể, khu dành cho F0 có triệu chứng, khu cho F0 không có triệu trứng và khu cho F0 có bệnh bệnh lý nền. Bên ngoài khu cách ly có các phòng cấp cứu, phòng lấy mẫu và tiếp nhận, phòng xét nghiệm.

Trong khi đó, đại diện quận 11 cũng cho biết, quận đang có kế hoạch chuyển đổi khu cách ly F1 sang thu dung F0 khong triệu chứng với quy mô 200 giường. Trong khi đó, Sở Du lịch TP HCM cũng xúc tiến thành lập khu cách ly y tế tập trung có trả phí tại 72 khách sạn, tương ứng 5.564 buồng/phòng.

Sở Du lịch thành phố còn phối hợp với các quận, huyện và thành phố Thủ Đức vận động 395 khách sạn đăng ký làm điểm cách ly F1 với 13.426 phòng. Trong đó có 117 khách sạn đã có quyết định thành lập khu cách ly tập trung. Số còn lại đang trong quá trình thẩm định các điều kiện, tiêu chí.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng của dịch Covid-19, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện, UBND TP HCM yêu cầu, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thành lập các cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 thuộc địa bàn quản lý.

Các quận, huyện có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương khu ký túc xá của trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học... trên địa bàn. Đối tượng áp dụng là các trường hợp F0 và không có triệu chứng lâm sàng, không kèm bệnh lý nền hoặc nếu có bệnh lý nền thì đã được điều trị ổn định, không béo phì.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 26/7, để quyết liệt phòng, chống dịch, TP HCM chế mọi người dân không ra đường. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Chỉ các trường hợp ưu tiên mới được hoạt động từ đêm nay, bao gồm: cấp cứu, lực lượng công tác phòng, chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên; công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân của doanh nghiệp được hoạt động, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố.

Cần Thơ chuẩn bị phương án khi F0 tiếp tục tăng

Qua gần 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ các ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục nằm trong nhóm nguy cơ cao. Tổng số ca mắc Covid -19 cộng dồn trên địa bàn là 613 ca, đặc biệt trong vài ngày gần đây số lượng ca nhiễm mới tăng rất nhanh. Cụ thể ngày 20/7 ghi nhận 47 ca nhiễm mới, đến ngày 26/7 đã tăng lên 150 ca. Điều đáng lo ngại các ca F0 đã xuất hiện ở những chỗ đông người như siêu thị, chợ hay bệnh viện… Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức cách ly và điều trị với kết quả cao nhất, đặc biệt không để lây chéo, theo dõi chặt, phân tầng điều trị phù hợp, đảm bảo trường hợp F0 từ nhẹ đến nặng đảm bảo điều trị hiệu quả cao... Ngày 25/7, Cần Thơ đã có quyết định thành lập BV dã chiến số 2 để điều trị bệnh nhân Covid-19, trên địa bàn quận Ninh Kiều, theo đó sẽ có 2 khu A và B với tổng quy mô 800 giường. Thành phố cũng đã kích hoạt 30 cơ sở cách ly tập trung với công suất tối đa là 4.160 giường và số trường hợp đang cách ly tập trung hiện nay là 2.293 người. Về công tác điều trị, Cần Thơ đã phân chia “3 tầng” điều trị: Gồm tầng 1 điều trị F0 không triệu chứng là 1.300 giường, tầng 2 điều trị F0 có triệu chứng, bệnh nền là 180 giường, tầng 3 điều trị F0 nặng là 50 giường.

Quốc Trung

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để bùng phát dịch ở Bệnh viện Phổi Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO