Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -2025.
Đó là: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh); Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn); Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai); Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị); Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK), đặc biệt là 8 khu KTCK có vai trò quan trọng trong hệ thống các khu KTCK của cả nước. Các cơ quan liên quan đến khu KTCK nâng cao năng lực quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để cho nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm tiến độ giải ngân, xây dựng dự án, công trình.
Từ lâu, giao thương kinh tế của Việt Nam với các quốc gia láng giềng đã được đẩy mạnh. Dòng chảy hàng hóa, tài chính hai bên biên giới đã góp phần quan trọng để hàng hóa của Việt Nam ra bên ngoài cũng như đón nhận dòng hàng hóa từ bên ngoài vào trong nước. Đây là chính sách mở, xóa bỏ một thời “bế quan tỏa cảng” giúp cho nền kinh tế phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Trên thực tế, đóng góp kinh tế trong việc giao thương hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế thời gian qua là rất quan trọng. Sự nhộn nhịp giao thương ấy đã thay đổi cơ bản bộ mặt của địa phương có cửa khẩu. Trực tiếp đối với người dân trong vùng thì tốc độ đi lên của cuộc sống rất nhanh khi họ có điều kiện tham gia vào các hoạt động kinh tế vùng biên.
Tuy nhiên, việc quản lý các hoạt động ấy cũng không hề đơn giản. Nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại đã từng bị đưa ra xét xử với tổng số tiền, hàng rất lớn và số tiền trốn thuế cũng rất lớn. Quản lý các hoạt dộng vùng biên (trong đó có hoạt động kinh tế) gồm nhiều lực lượng, trong đó quan trọng nhất là Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường. Đây là những lực lượng được giao nhiệm vụ “chốt chặn” để các hoạt động giao thương vùng biên (trong đó có các cửa khẩu) diễn ra thuận lợi, đúng pháp luật. Vì thế, khi ở địa phương nào, khu vực cửa khẩu nào để xảy ra các hoạt động thương mại phi pháp thì trách nhiệm chính và liên đới đều có các lực lượng này.
Mới nhất, thông tin vào ngày 21/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá thành công đường dây buôn lậu cực lớn qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (tỉnh Quảng Ninh). Đây là đường dây buôn lậu hoạt động có tổ chức, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có quy mô đặc biệt lớn, phức tạp.
Theo quy định, hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường trong nước bắt buộc phải có hồ sơ nhập khẩu, tờ khai hải quan theo quy định. Vậy nhưng, trong vụ buôn lậu cực lớn này thì theo cơ quan điều tra, tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hồ sơ thông quan, giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa, nhưng rất nhiều xe tải chở hàng trăm tấn hàng vẫn được đi thẳng qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Thiếu chút nữa thì “con voi đã chui lọt lỗ kim”.
Theo Cơ quan điều tra, sau khi hàng lậu đi thẳng qua Cửa khẩu chính ngạch Bắc Phong Sinh thì sẽ được vận chuyển bằng xe container, xe tải cỡ lớn... về các kho bãi đặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, lớn nhất là một kho chứa hàng ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Kho hàng này có diện tích hàng ngàn mét vuông, được xây dựng kiên cố, với 2 lối cửa ra vào rộng để xe container chở hàng chui lọt.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, mỗi ngày các đối tượng vận chuyển, buôn bán hơn 200 tấn hàng hoá các loại, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động kinh tế vùng biên mà vai trò rất lớn là các khu kinh tế cửa khẩu thì việc tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát là cực kỳ quan trọng. Lực lượng này cùng với sự tinh thông nghiệp vụ, nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm, dũng cảm… thì trước tiên và quan trọng nhất là phải “sạch”, không thể bị đồng tiền lung lạc, hay nói cách khác là bị “những viên đạn tiền” xuyên thủng.
Dịp này, gần đến Tết dương lịch, và cũng không còn lâu nữa thì đến Tết Nguyên đán, thì đây cũng là lúc giao thương vùng biên sôi động nhất trong năm với khối lượng hàng hóa khổng lồ, các hoạt động bán mua, vận chuyển dày đặc. Cũng chính vì thế mà trách nhiệm của các lực lượng chốt chặn ngay từ cửa khẩu lại càng phải trở thành tấm lá chắn rất chắc chắn.