Một khảo sát của Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam tại 500 doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực BĐS cho biết có tới 43% DN được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực tới nguồn cung BĐS.
Có được điều đó là nhờ các chính sách về pháp lý và dự án BĐS được ban hành, cơ quan quản lý các cấp và hệ thống ngân hàng cùng vào cuộc. Đặc biệt là nhờ vào công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thông qua những chính sách then chốt, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của thị trường BĐS. Trong đó, Nghị quyết số 33 được xem là “kim chỉ nam”, thể hiện một cách khá rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường BĐS từ phía Chính phủ, các bộ, ngành.
Đánh giá về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Trong khi ổn định tâm lý là vấn đề then chốt. Việc tiếp cận vốn cũng cần được khơi thông để các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn phát huy tác dụng.
Sau khi Nghị định số 08 của Chính phủ được ban hành và một số động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước, việc huy động vốn từ trái phiếu DN đã có dấu hiệu phục hồi.
Về hoạt động điều hành, hỗ trợ DN của chính quyền địa phương nơi DN đăng ký kinh doanh, phân phối, phát triển dự án, 2/3 DN cho biết, chính quyền địa phương nơi DN hoạt động kinh doanh đã có động thái tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, chỉ có gần 15% DN đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất... đạt mức độ hiệu quả (hoặc rất hiệu quả). 28% DN đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ xúc tiến, kết nối là không hiệu quả. Trong khi một số địa phương có hoạt động điều hành, hỗ trợ DN được đánh giá cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Nghệ An, TPHCM.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho biết 50% DN gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng với lần lượt 21%, 22% DN được khảo sát lựa chọn.
Vì thế, để thị trường BĐS đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Các hành động này phải thật nhanh, thật mạnh, thật dứt khoát và triệt để, tránh tình trạng ngắt quãng, đứt đoạn khiến đà phục hồi bị mất.
Cũng về lĩnh vực BĐS, góp ý một số điều Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), kiến nghị điều chỉnh quy định "số tiền đặt cọc không vượt quá 2%" đối với BĐS hình thành trong tương lai, nâng lên thành "không vượt quá 5%", là mức hợp lý theo thông lệ xã hội và để bảo đảm việc đặt cọc không nhằm mục đích huy động vốn và có giá trị đủ lớn để cả bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc cùng có ý thức tuân thủ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì số tiền đặt cọc có thể được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền khi giao kết hợp đồng và theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) thì thanh toán "lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng", nên số tiền đặt cọc không vượt quá 5% không bị lợi dụng để huy động vốn.
Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị bổ sung thêm "hành vi thu tiền đặt cọc trái với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan" vào khoản 4 Điều 8 Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) về "các hành vi bị cấm" để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy phạm pháp luật.