Từ ngày 1/7, áp dụng chính sách lương mới. Ở thời điểm này lương chưa tăng nhưng giá nhiều mặt hàng đã tăng. Tại cuộc họp mới đây về quản lý, điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
Đi cùng với niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là lo lắng của nhiều người lao động, người hưu trí, người hưởng chế độ chính sách xã hội bởi thực tế lương chưa tăng nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm viễn thông, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 8,7%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%.
Tại cuộc họp chỉ đạo về điều hành giá ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Cái gì chúng ta kiểm soát được thì kiểm soát chặt, cái gì thị trường quyết định thì phải theo sát để có những cơ chế phù hợp, thí dụ như xăng dầu hiện nay là phải bình ổn. Phải đặc biệt lưu ý về công tác quản lý, điều hành giá trong tháng 7 - thời điểm bắt đầu tăng lương”.
Trước đó, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Không điều hành "giật cục"; tăng cường quản lý giá cả, thị trường. Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.
Như vậy, quyết tâm của Chính phủ rất cao, để chính sách tiền lương mới thực sự cải thiện đời sống cán bộ viên chức, người lao động, người hưu trí và các nhóm đối tượng hưởng chính sách xã hội. Không để lặp lại tình trạng lương tăng thì giá cũng tăng, lương tăng không theo kịp giá sẽ làm mất ý nghĩa của việc tăng lương.
Để tăng lương mà giá không tăng thì cần phải có phương án điều tiết, kiểm soát thị trường. Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc. Thế nhưng, người lao động vẫn canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường “té nước theo mưa”, chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.
Bà Nga cho rằng, vì thế phải điều tiết thị trường thật tốt. Cần phải tránh tuyệt đối tình trạng “a dua”, nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương.
Cùng với việc điều tiết, kiểm soát vĩ mô thì rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương. Có nghĩa là, họ không chỉ tập trung vào việc kiểm soát hàng gian hàng giả... mà còn phải kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất thường. Vì nếu buông lỏng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhanh và rộng, dẫn đến mặt bằng giá cũ bị phá vỡ và thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm. Điều đó gọi là trách nhiệm “công bộc”.
Giá cả leo thang, với những người thu nhập cao không mấy ảnh hưởng. Nhưng với đại đa số người dân thì đó lại là vấn đề rất lớn. Lúc đó, họ lại phải thắt lưng buộc bụng, giảm bớt chi tiêu. Điều đó cũng kéo theo hệ lụy về sản xuất kinh doanh khi hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm.
Theo ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa thì tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Ông Sơn dẫn số liệu từ một cuộc khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động) hồi tháng 4/2023 đối với gần 3.000 người lao động cho thấy, với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng thì hơn 75% số người được hỏi cho biết không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng. Nhiều người phải vay mượn để trang trải các chi phí.
Thực tế cho thấy giá và lương có mối quan hệ rất chặt chẽ. Khi lương tăng, giá cả hàng hóa ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Vì thế, cần kiểm soát chặt ngay từ bây giờ để tránh cảnh ngày 1/7 tới đây, dù được hưởng lương mới cao hơn nhưng người lao động vẫn phải chạy đuổi theo giá.