Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản nhằm tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, trong đó có cả việc đề nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm của công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu.
Đây được coi là “thông điệp mới” khi mà nhiều người vẫn coi công chức, viên chức khi đã chuyển việc, thôi việc, nghỉ hưu thì dù có vi phạm nhưng vẫn không bị xem xét kỷ luật, trừ trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng chính vì thế mới có việc để tránh kỷ luật, không ít trường hợp đã “nhanh chân” chuyển công tác sang cơ quan khác, hoặc thôi việc. Với người đã về hưu, dù có vi phạm thì cũng coi là an toàn sau khi đã “hạ cánh”.
Điều đó khiến công tác cán bộ, kỷ luật cán bộ không nghiêm, thiếu công bằng, không mang tính răn đe.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10/6/2019, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều ý kiến đã nêu vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, là phù hợp và cần thiết để răn đe. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể. Vì thế cần bổ sung quy định trong luật để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân. Luật cần quy định rõ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu.
Để khắc phục, Nghị định số 112 năm 2020 của Chính phủ đã quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật; việc áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng với các hành vi vi phạm; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định 112 còn áp dụng đối với cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, công chức, viên chức và cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Riêng đối với việc xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện theo các bước: Bước 1: Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Bước 2: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Cần lưu ý, xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.
Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 112, hành vi vi phạm được phân loại thành 4 mức độ: Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng và vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Riêng trường hợp viên chức bị kỷ luật có được xin nghỉ việc không? Khoản 1 Điều 57 Nghị định 115 năm 2020 của Chính phủ nêu rõ, viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp: Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo; Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.
Trở lại với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Thanh Trà, việc đề nghị xử lý nghiêm minh, kịp thời những vi phạm của công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ hưu là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, công bằng với tất cả các trường hợp. Không thể có chuyện trong khi làm việc vi phạm kỷ luật, kể cả có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng vẫn “hạ cánh an toàn”. Người vi phạm kỷ luật nhưng lúc về hưu, nghỉ việc, chuyển việc lại không bị xử lý kỷ luật cũng chính là khe hở trong công tác cán bộ, từ đó dung dưỡng cho những hành vi sai phạm; không có tính răn đe, cảnh báo.
Đảng đã có những quy định kỷ luật đảng viên sai phạm, kể cả khi đã chuyển, nghỉ công tác; thì việc chính quyền áp dụng hình thức kỷ luật đối với vi phạm của công chức, viên chức khi đã thôi việc, chuyển việc, nghỉ hưu là rất cần thiết.