Ngày 26/2, tại tuyến đường thủy nội địa thuộc vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, tàu cao tốc chở khách Phương Đông biển số QNa-1152 do ông Lê Sen làm thuyền trưởng cùng 2 thuyền viên, trên tàu chở 36 hành khách (bao gồm 34 người lớn và 2 trẻ em) đi từ đảo Cù Lao Chàm vào bến thủy nội địa Cửa Đại (xã Tân Hiệp, TP Hội An). Khi vào cách bờ khoảng 1 hải lý thì tàu bị lật chìm, khiến 17 người tử vong.
Trong suốt đêm 26 và ngày 27/2, Cảnh sát đường thủy thuộc Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp cùng các lực lượng thuộc Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Nam tập trung tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng này.
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Nam, qua điều tra ban đầu, hành khách trên tàu được trang bị áo phao và mặc áo phao trước khi xuất phát, bố trí ghế ngồi đầy đủ. Phương tiện được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật có hiệu lực đến ngày 19/1/2023, trọng tải toàn phần, số lượng người được phép chở sức kéo đẩy 4,1 tấn, tương ứng 35 hành khách. Thuyền trưởng có chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa hạng 3, đủ điều kiện điều khiển.
Đại tá Nguyễn Hà Lai- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự, Viện Khoa học hình sự, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an có mặt tại hiện trường để điều tra vụ tai nạn. Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lấy lời khai những người liên quan.
Đây là một vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng, số người tử vong cao. Rồi đây nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ nhưng dẫu thế thì nỗi đau vẫn là quá lớn. Cù Lao Chàm là một hòn đảo không xa đất liền, nhiều năm qua đã trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách. Là một cù lao ngoài biển nhưng Cù Lao Chàm cũng không cách đất liền quá xa, chỉ cách Cửa Đại 15km. Trước đây, từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm thường là thuyền gỗ thì nay chủ yếu là cano cao tốc du lịch, thời gian chỉ mất chừng 20 phút.
Vì thuận lợi như vậy nên tuyến du lịch biển này ngày càng thu hút du khách, cũng như sự thông thương giữa cù lao với đất liền đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng vụ tai nạn kể trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho tuyến đường biển này nói riêng và giao thông đường thủy nói chung; khi mà từ trước tới nay người ta lo nhiều đến giao thông đường bộ mà ít chú ý đến giao thông đường thủy. Bằng chứng là hành khách đi tàu giữa sóng gió nhưng vẫn nhiều người không chịu mặc áo phao, vẫn nô đùa trên tàu, cano. Còn đội ngũ lái tàu có người không có bằng lái và chủ phương tiện cũng không chịu đầu tư để tàu xuống cấp vẫn hoạt động. Đáng chú ý, trong ngày biển động, vẫn có tàu manh động chở khách ra khơi.
Với vụ tai nạn thương tâm kể trên, cùng với việc khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích thì Cục Cảnh sát giao thông đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thuỷ nội địa. Bao gồm: Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm… Với nội dung gồm: Điều kiện hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan. Đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách. Kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.
Đó là việc làm cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu đó là việc làm thường xuyên, không để “mất bò mới lo làm chuồng” vì chỉ có như vậy mới ngăn ngừa được những vụ tai nạn nghiêm trọng đối với những hành trình lênh đênh sóng nước.