Ngày 21/10, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công thương phản hồi về những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp đầu mối kinh xăng dầu. Trong đó, Bộ Tài chính khẳng định các vướng mắc vừa qua của các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Văn bản của Bộ Tài chính cũng trả lời rõ lý do trường hợp DN nhập khẩu xăng dầu bị cơ quan hải quan dừng làm thủ tục.
Động thái này khiến dư luận nhớ lại cách đây không lâu cũng đã có những ý kiến vênh nhau giữa hai bộ Tài chính và Công thương, khi nhiều cây xăng trên cả nước ngừng bán hàng, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của người dân.
Tuần đầu tháng 10, khi nhiều cây xăng đóng cửa với lý do “càng bán càng lỗ”, hay là hết hàng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thừa nhận có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh ở nhiều địa phương. Lý do các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, vì thế cần điều chỉnh chi phí để gỡ khó cho DN.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý 3/2022 của các DN đầu mối đã giảm khoảng 40% với xăng, giảm 35% với dầu diesel so với quý 2/2022. Đây là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kéo theo giảm nguồn cung trên thị trường trong nhiều tháng qua. Từ đó, Bộ Tài chính cho rằng nhận định của Bộ Công thương về việc chưa điều chỉnh chi phí vận chuyển trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để đảm bảo chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với thị trường.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý DN đầu mối, DN phân phối và DN bán lẻ thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị DN xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và DN đầu mối.
Đúng sai hạ hồi phân giải, nhưng không thể để đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Ngay cả trong trường hợp Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho một số DN đầu mối kinh xăng dầu trong thực hiện thủ tục hải quan mới đây thì cũng nhằm mục đích ấy. Việc rà soát cụ thể, gỡ vướng mắc rất cần sự phối hợp đồng bộ của cả Bộ Tài chính lẫn Bộ Công thương. Không thể chỉ vì “vênh” nhau giữa hai bộ mà dẫn tới việc thị trường xăng dầu trong nước căng thẳng.
Theo giới chuyên gia tài chính, tình hình cung ứng xăng dầu cũng như giá cả mặt hàng chiến lược này trong những tháng cuối năm và có thể vắt sang cả năm sau, có những biến động khó lường. Kể từ ngày 1/11 tới, nhóm OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác) sẽ thực hiện việc cắt giảm sản lượng mức 2 triệu thùng/ngày. Động thái này rất có thể đẩy giá xăng dầu lên cao. Kể từ đầu năm 2022, giá dầu thô trên thị trường thế giới bắt đầu tăng từ trung bình 80 USD/thùng lên tới 140 USD/thùng (vào ngày 7/3). Sau đó, giá dầu thô “chao đảo” ở mức cao; giảm dần từ đầu tháng 9 và nay tạm dừng ở ngưỡng xấp xỉ 90 USD/thùng.
Trong khi đó, 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã và đang tiếp tục “mua vét” dầu và khí hóa lỏng để tích trữ cho mùa đông tới. Vì thế, sự biến động của thị trường xăng dầu là khó tránh khỏi, nên việc Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu là việc cần phải làm để bảo đảm chuỗi cung ứng cũng như kiềm chế leo thang giá thành phẩm. Muốn thế, trước hết và rất quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục và thống nhất trong điều hành.
Ý kiến giới chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh đó cần tăng năng suất của hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất, bảo đảm cả nguồn nhập khẩu cũng như nguồn hàng trong nước có được thế chủ động trước những diễn biến khó lường của thị trường thế giới.