Bộ Y tế đề xuất việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được thực hiện theo sự thay đổi của mức lương cơ bản từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng (từ ngày 1/7/2023). Trước đó, việc tăng giá khám chữa bệnh đã được đưa ra nhiều lần. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhất là người nghèo, nên lộ trình, mức tăng ra sao được nhiều người quan tâm.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chiều 11/7, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) phải rõ ràng phần chi phí nào người dân không đủ khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước đảm bảo, không đẩy khó khăn, áp lực cho bệnh viện (BV). Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, lộ trình tăng giá KCB cần lựa chọn dịch vụ tăng trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tăng giá dịch vụ KCB là vấn đề lớn. Bộ Y tế cần tính toán tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình tăng giá dịch vụ KCB cần đặt trong mối quan hệ với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ BV, phát triển bảo hiểm y tế (BHYT).
Đầu năm nay Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó quy định Bộ trưởng Y tế phối hợp Bộ trưởng Tài chính đưa ra phương pháp định giá với dịch vụ KCB. HĐND cấp tỉnh quy định giá KCB với các BV trên địa bàn, nhưng không vượt khung giá tương ứng của Bộ Y tế. Quy định mới nhằm giải quyết vấn đề "tính đúng tính đủ" giá KCB mà nhiều BV công cho rằng giá quá thấp khiến hoạt động gặp khó khăn.
Vấn đề này từng nhận được nhiều ý kiến của các lãnh đạo BV công. Ngày 6/1/2023, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), PGS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng viện phí cần phân ra 2 luồng. Luồng được bảo hiểm chi trả và luồng thứ hai là giá KCB theo yêu cầu. Theo ông Hiếu, đây là động lực để các bệnh viện và ngành y tế thay đổi, phát triển.
Còn theo bà Trần Khánh Thu (BVĐK tỉnh Thái Bình) thì người bệnh có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu sẽ được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định và thanh toán thêm phần chênh lệch. Bệnh viện thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Đức (Thường trực Hội đồng Dân tộc) lại cho rằng, cả nước còn hơn 10% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có nhiều người thu nhập trung bình thấp. Những người này sẽ đến cơ sở KCB công lập là chủ yếu. Nếu không kiểm soát giá với các dịch vụ KCB ngoài phạm vi BHYT tại cơ sở y tế công lập thì mức chi phí y tế sẽ vượt quá khả năng của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, không thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí.
"Không kiểm soát giá KCB theo yêu cầu tại bệnh viện công sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện công được quyết định giá như bệnh viện tư. Điều này là bất hợp lý vì cơ sở vật chất của các BV công do Nhà nước đầu tư để phục vụ nhân dân" - ông Đức nói và nhấn mạnh rằng, quản lý giá KCB theo yêu cầu tại bệnh viện công sẽ đảm bảo quyền chăm sóc y tế của người dân, để người yếu thế không bị “nghèo hóa” vì chi phí y tế.
Nhân đây, xin được nhắc lại một vài con số tại Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu do cơ sở KCB của nhà nước cung cấp: Khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng 1 tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở KCB khác, giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Đối với giường điều trị nội trú dịch vụ loại 1 giường/phòng có giá tối đa 4 triệu đồng/giường; loại 2 giường/phòng tối đa 3 triệu đồng/giường; loại 3 giường/phòng tối đa 2,4 triệu đồng/giường. Cơ sở KCB quyết định lựa chọn xây dựng mức giá dịch vụ khác nhau theo chuyên khoa, thời gian thực hiện dịch vụ, trình độ chuyên môn y bác sĩ, kỹ thuật... trong phạm vi quy định. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Như vậy, mấu chốt của vấn đề là lộ trình tăng, mức tăng chi phí KCB tại bệnh viện công, kiểm soát giá dịch vụ tại các bệnh viện công, với mục đích cuối cùng là sức khỏe của người dân được chăm sóc và không bị “nghèo hóa” chỉ vì chi phí y tế; chứ không hẳn phụ thuộc vào việc tăng lương hay không.