“Không được để dân đói và các lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo”; “Địa phương nào để tụ tập đông người thì kỷ luật lãnh đạo nơi đó”… đó là những câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được người dân chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh Đồng Nai.
Tiếp quản ghế “nóng” giữa đại dịch
Ông Lê Văn Đệ - Tổ trưởng Tổ 21B, KP Cầu Hang, phường Hóa An, TP Biên Hòa hy vọng khi Tân Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh có những quyết sách đúng hướng, sẽ tạo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vốn đang gặp nhiều khó khăn ở địa phương.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị tác động; doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm; phong tỏa, giãn cách liên tục, trong khi khâu điều hành vẫn còn hạn chế. Số ca mắc Covid-19 tăng đều hàng ngày. Tại Đồng Nai có những ngày đỉnh điểm lên đến hơn 1.000 ca mắc. Người dân rất khó khăn vì chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, việc tiêm chủng vaccine chậm trễ bị Chính phủ phê bình…
Vừa tiếp quản vị trí ghế “nóng” của Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã có chuyến thị sát tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 tại Trường Đại học Mở TP HCM cơ sở 2, đóng ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa và có buổi làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu điều chỉnh một số nội dung trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi nhận thấy còn nhiều hạn chế.
Những ngày sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương nhằm có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Muốn khống chế được dịch bệnh cần cả một hệ thống chứ không phải của riêng ai” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh điều đó vì rõ ràng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Đồng Nai vẫn còn nhiều lỗ hỏng, chậm trễ, “ngoài chặt” trong lỏng là có thật.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu phải thành lập một Trung tâm điều hành, chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tại UBND tỉnh kết nối trực tuyến đến tất cả 11 huyện, thành phố. Ban chỉ đạo tỉnh sẽ họp trực tuyến với UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo các nội dung, công việc liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Tất cả vì dân
Theo dõi các cuộc họp với 11 huyện, thành phố và các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch trong những ngày qua, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn Đồng Nai đều rất phấn khởi. Tại các cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo các cấp làm gì thì làm, yếu tố “nhân dân” phải là then chốt, hàng đầu. “Tất cả vì nhân dân” - ông Lĩnh nói.
Liên quan đến việc hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, ngày 19/8, trong cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: “Phải quan tâm đến tất cả người dân khó khăn, kể cả đối tượng ngoài phạm vi quy định của Nghị quyết 68 cũng cần được hỗ trợ. Thậm chí, người khó khăn đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhưng nếu còn khó khăn thì vẫn phải hỗ trợ tiếp chứ không vì quy định mà bỏ rơi người dân”. Ông Lĩnh nhấn mạnh, việc hỗ trợ dân trong lúc khó khăn chính là tình cảm và trách nhiệm “chứ không phải là một công thức cứng nhắc mà chúng ta lại bỏ rơi người dân được”.
Ông Lĩnh đề nghị các địa phương phải triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân để không bỏ lại ai phía sau, không được để dân đói, cần khẩn trương xây dựng những pháo đài đoàn kết để hỗ trợ người khó khăn. 100% địa phương phải triển khai nhanh nhất các chính sách hỗ trợ người dân. Cấp trên phải kiểm tra, đôn đốc cấp dưới, cấp dưới phải nắm bắt tình hình cụ thể, không để bỏ sót một trường hợp khó khăn nào.
“Không để dân đói và các lãnh đạo phải lấy sinh mạng chính trị của mình ra để đảm bảo. Nếu để dân đói thì cả Bí thư Tỉnh uỷ và các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm. Mỗi xã phường phải có kho lương thực và quỹ để hỗ trợ người dân. Không giữ lại 1 đồng xu nào ở tỉnh, huyện, thành phố mà phải phân bổ ngay về cho cơ sở để đưa đến tay người dân. Thôn ấp, khu phố phải nhanh chóng báo cáo hộ nào khó khăn để Mặt trận và các địa phương phải chuyển gạo, thực phẩm, tài chính về để hỗ trợ” - ông Lĩnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các địa phương phải thành lập ngay các tổ công tác giúp đỡ người lang thang cơ nhỡ, đưa họ về lại nhà hoặc nơi cư trú do các địa phương chuẩn bị sẵn. “Không được quy những người lang thang vào diện vi phạm mà phải xem họ là người cần hỗ trợ giúp đỡ, không được để họ đói rách, thiếu thốn. Công bố ngay 10 số điện thoại đường dây nóng về an sinh xã hội và y tế ngay lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt khi cần có thể gọi ngay” - ông Lĩnh nhấn mạnh.