Không để nguồn cung thực phẩm đứt gãy

Minh Phương-  Thanh Giang 04/08/2021 06:30

Để khắc phục những tồn tại trong cung ứng thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh  khuyến khích nhiều cửa hàng tiện lợi cùng tham gia cung ứng thực phẩm tươi sống. Còn tại Hà Nội, Bộ Công thương khẳng định, đã có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống. 

Hàng hóa tại các chợ truyền thống tại Hà Nội vẫn dồi dào. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Sau khi TP HCM áp dụng phiếu mua hàng 2 lần/tuần với khung giờ cụ thể, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng dài chờ đợi hàng giờ mới đến lượt. Bà Ngô Thu Hằng (khu phố Ông Nhiêu, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) cho biết: “Đúng ngày tôi cầm phiếu đi mua thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi Co.op Food từ sáng sớm (ngày 3/8). Đến nơi, thấy rất nhiều người xếp hàng. Phải mất gần 3 tiếng, từ 6 giờ đến 9 giờ sáng tôi mới về đến nhà mặc dù đi từ nhà đến cửa hàng không xa”.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc (Thủ Đức) cũng cho biết phải xếp hàng chờ hàng giờ mới vào được cửa hàng, thế nhưng khi vào được bên trong thì không còn gì để mua. Bà Ngọc cho rằng chính vì quy định giờ cụ thể nên đến ngày, đến giờ người dân ùn ùn đi mua thực phẩm, dẫn đến tình trạng chờ lâu, xếp hàng dài.

“Mua chung” để tạo điều kiện thuận lợi cho dân

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, việc phát phiếu đi chợ, siêu thị là để phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Cả thành phố chỉ còn 29 chợ truyền thống hoạt động, lại chủ yếu ở vùng ven ngoại thành.

Các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Đây chính là nguyên nhân khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại. Nhưng, dù có khó khăn khi đi mua sắm nhưng hàng hóa vẫn đầy đủ cho tất cả mọi người.

Chính vì thế, để hạn chế cảnh người dân xếp hàng dài vất vả, đảm bảo an toàn dịch bệnh, gỡ điểm nghẽn khi mua hàng trực tuyến, nhiều siêu thị kiến nghị thực hiện mua chung.

Ông Nguyễn Tấn Thành, đại diện Saigon Co.op cho biết, lượng hàng hóa nhập về cho hơn 250 các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại khu vực TP HCM đầy đủ. Nhà bán lẻ này cũng đang có phương án tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu nhanh nhất có thể đến các khu dân cư, khu phong tỏa, cách ly theo phương thức mua chung.

Về hình thức thực hiện, Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực có nhu cầu danh mục hàng hóa thiết yếu bao khoảng hơn 100 mặt hàng. Các cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận nhu cầu của người dân rồi tổng hợp thành một đơn hàng chung. Saigon Co.op sẽ tổ chức giao hàng cho đầu mối hoặc có thể nhận tại siêu thị, sau đó sẽ phân chia lại cho các cá nhân, hộ gia đình trong các khu cách ly, phong tỏa y tế. Lịch đặt và giao hàng sẽ được thống nhất cụ thể của từng điểm tiếp nhận tần suất trung bình 2 lần/tuần.

Liên quan đến giải pháp tạo thuận tiện cho người dân mua thực phẩm, giảm áp lực cho nhân viên bán hàng, một số cửa hàng tiện lợi còn áp dụng hình thức mua theo combo có sẵn. Cửa hàng tiện lợi GS25 thực hiện bán hàng “Combo hàng hóa tổng hợp” theo từng thời điểm và ưu đãi giảm giá từ 5 – 10%.

Cụ thể, combo 400.000 đồng bao gồm: một bó rau lá, một bó củ, một vỉ thịt heo/bò/gà 200gr, 5kg gạo, gia vị. Combo trị giá 250.000 đồng có rau lá, củ và trái cây, một vỉ trứng gà hoặc trứng vịt 6 quả, một vỉ thịt. Combo 200.000 đồng gồm: lương thực chế biến khô, vỉ trứng, thực phẩm chế biến đóng hộp, rau củ quả và trái cây....

Ông Mai Thụy Nhân, Tổng Giám đốc GS25 Việt Nam cho biết: “Gọi điện đến cửa hàng gần nhất đặt hàng theo danh mục hoặc combo. Hàng hóa sẽ được giao trễ nhất trong vòng 24 giờ. Chúng tôi đã sẵn sàng mọi nguồn lực để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của người dân thành phố”.

Hàng hóa trong các siêu thị TP HCM.

Tăng cường kết nối nguồn cung ứng

Ngày 3/8, tại buổi cung cấp thông tin phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, các tỉnh, thành đang vào vụ thu hoạch nên hàng hóa khá phong phú và dồi dào. Sở Công thương TP HCM liên tục nhận được thông tin từ phía các đầu mối cung cấp hàng hóa. Các địa phương cũng chủ động đưa hàng về thành phố.

Giải quyết bài toán thực phẩm thiết yếu cho thị trường tiêu dùng TP HCM, Sở Công thương thành phố khuyến cáo, hệ thống bán lẻ hiện đại chuyển đổi phương thức bán hàng. Trước đây bán hàng trực tiếp và phát phiếu mua hàng cho người dân thì hiện nay sẽ thực hiện đăng ký mua hàng trước thông qua giỏ hàng trên các app của siêu thị.

Sở Công thương TP HCM lên kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động tại một số điểm thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời. Sở đã tăng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi. Hôm nay, ngày 4/8, có khoảng 50 xe và sắp tới dự kiến tăng lên 100 xe để hỗ trợ cho các quận, huyện.

Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng hàng hoá hàng ngày cho chính quyền địa phương. Từ đó, có phương án phân bổ tần suất đi mua thực phẩm của người dân trên địa bàn sao cho phù hợp.

Hiện Sở Công thương TP HCM đang phối hợp với các quận, huyện triển khai các biện pháp khắc phục tồn tại trong khâu cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần có sự hỗ trợ của địa phương trong việc nắm bắt tình hình và thông tin kịp thời để Sở Công thương có giải pháp kịp thời. Cụ thể, điều chỉnh hoặc bổ sung nguồn hàng đến những nơi đang thiếu.

Hà Nội không khan hiếm hàng hóa

Việc Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 buộc nhiều siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến không ít người tiêu dùng bất an. Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định, đã có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối, ngoài một số điểm bán hàng của Vincomerce gồm 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng Vinmart+ đang tạm dừng hoạt động để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch đã được Công ty Vincomerce công bố cụ thể, hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.

Sáng 3/8, khảo sát của PV tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố như Nhân Chính, Cầu Giấy, Thành Công..., nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không ít biến động. Cụ thể, tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), giá thịt lợn vẫn dao động quanh mức 185.000 đồng-210.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò 300.000 -350.000 đồng/kg. Tương tự, tại các chợ Thành Công, Cầu Giấy... nguồn hàng vẫn dồi dào, không có dấu hiệu khan hàng. Giá các loai rau củ quả vẫn ổn định, không tăng giá.

Tuy nhiên, nói như bà Nguyễn Thị Tươi, tiểu thương tại chợ Nhân Chính cho biết, do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn cho vài ngày dẫn đến giá một số mặt hàng tươi sống có nhích nhẹ.

Ngoài việc đảm bảo nguồn cung tại các chợ truyền thống, Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, thời gian vừa qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.

Đồng thời, Sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17 của UBND thành phố (ngày 23/7).

Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h00 - 22h00 hàng ngày. Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm phục vụ vận tải, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để bảo đảm an toàn và duy trì hoạt động tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, đã chỉ đạo Sở Công thương TP Hà Nội, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở có ca lây nhiễm Covid-19 để áp dụng ngay các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phân phối (như BRG, Aeon, BigC, MM Megamarket…), các chợ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, ngày 2/8, Bộ Công thương đã có Công văn số 4648 về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.

Yêu cầu Sở Công thương Hà Nội có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, rà soát kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

“Nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu đã được chuẩn bị tốt, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19”, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để nguồn cung thực phẩm đứt gãy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO