Xã hội đang hết sức phẫn nộ trước thông tin thêm một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 cố tình giấu diếm quá trình dịch tễ gây nguy hiểm cho cộng đồng. Đó là trường hợp bệnh nhân số 178 (nữ nhân viên nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai) quê ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Cụ thể, bệnh nhân này xuất phát từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, nhưng khai báo gian dối khiến nhiều người khác có nguy cơ lây nhiễm. Dư luận cho rằng, việc bệnh nhân số 178 vô trách nhiệm với cộng đồng trong việc phòng chống lây lan Covid-19 cần phải bị xử lý nghiêm khắc.
Sau khi phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại BV Bạch Mai (cả bệnh nhân và nhân viên y tế), nữ nhân viên nhà ăn H.T.N đã được xét nghiệm nhưng âm tính. Lẽ ra, người phụ nữ này vẫn thuộc đối tượng bị cách ly, nhưng không hiểu bằng cách nào đó chị ta có thể ra bắt xe khách về Thái Nguyên. Về đến quê, H.T.N cảm thấy khó thở, ho, sốt nên đã đến BVĐK huyện Đại Từ khám. Thay vì khai thật là vừa từ ổ dịch BV Bạch Mai trở về, chị ta giấu biệt nên đã không bị cách ly phòng tránh lây nhiễm Covid-19.
Bệnh viện Bạch Mai được kiểm soát nghiêm ngặt. Ảnh: Quang Vinh.
Mặc dù đang trong cơn bão dịch Covid-19, đồng thời các triệu chứng lâm sàng là sốt, ho, khó thở, đau người, nhưng do chủ quan với lời khai của nữ bệnh nhân này nên các bác sĩ BV huyện Đại Từ đã xếp chị ta nằm cùng phòng với nhiều bệnh nhân khác, mà không phân luồng cách ly. Chỉ đến khi các triệu chứng bệnh nặng thêm, đồng thời tìm hiểu được nữ bệnh nhân này từ ổ dịch Bạch Mai trở về, BV huyện Đại Từ mới tiến hành cách ly. Kết quả xét nghiệm của H.T.N sau đó cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Vậy là chỉ “tính sơ sơ” cũng đã có khoảng 30 người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 178, trong đó có 16 người đi cùng chuyến xe ô tô từ Hà Nội về Thái Nguyên, 8 bệnh nhân cùng phòng và các y, bác sĩ của BV huyện Đại Từ. Ít nhất thì có tới ngần ấy người phải bị cách ly tập trung dưới dạng F1, chưa kể đến F2, F3... Từ sự vô trách nhiệm của bệnh nhân số 178, sự chủ quan của các bác sĩ BV huyện Đại Từ, có hàng chục con người lại phải cách ly, lại tiêu tốn thêm thời gian và tiền bạc của Nhà nước.
Có người đặt vấn đề, tại sao nữ bệnh nhân 178 lại phải giấu tiền sử từ ổ dịch BV Bạch Mai về, vì sao phải nói dối là không đi đâu cả? Câu trả lời hết sức đơn giản: Đó là vì sợ bị cách ly nên khai báo gian dối. Song, việc sợ bị cách ly cũng chỉ là nguyên nhân phụ, nguyên nhân chính là dù có khai báo gian dối thì cũng chẳng việc gì cả, từng có nhiều người khai báo gian dối có hề hấn gì đâu. Nếu việc khai báo gian dối quá trình dịch tễ sẽ bị phạt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, cao hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tin rằng không ai dám khai báo gian dối cả.
Ngay như bệnh nhân số 34 không những khai báo gian dối, còn khiến 10 người khác bị lây nhiễm Covid-19 mà đến nay còn “bình yên vô sự”, thì có lý gì nữ nhân viên nhà ăn BV Bạch Mai phải khai báo trung thực? Khai báo gian dối không bị chế tài, trong khi nếu trung thực thì khả năng cao là sẽ bị “bế” vào khu cách ly thì một người “có não” (theo cách nói của nữ thanh niên trốn cách ly và livetream ở sân bay dạy cách trốn cách ly) sẽ chọn cách nào, trung thực hay gian dối? Giả sử những người khai báo gian dối trước đó đã bị xử lý nghiêm khắc thì liệu H.T.N có dám “học” theo?
Như vậy, khi đã có trường hợp nêu gương xấu không bị xử lý thì làm sao có sức răn đe, phòng ngừa đối với mọi người? Với thực tế trên thì có lẽ bệnh nhân số 178 cũng chưa phải là trường hợp cuối cùng khai báo y tế gian dối. Và nếu không thể khoanh vùng thì chúng ta có cơ sở gì để dập dịch? Các cơ quan chức năng và nhiều người dân cố gắng giữ không cho dịch Covid-19 lây lan rộng, nhưng gặp phải người như nữ bệnh nhân 34, nữ bệnh nhân 178... thì liệu có chiến thắng được đại dịch Covid-19? Việc khai báo gian dối đương nhiên là lỗi của các bệnh nhân, nhưng cũng có lỗi không nhỏ của các cơ quan chức năng khi không quyết liệt khiến có người coi thường, nhờn với quy định.