Không để tấm huy chương trở thành gánh nặng

Lâm An 20/12/2021 08:00

Thành tích của các học sinh “mang chuông đi đánh xứ người” trong năm 2021 là những kết quả rực rỡ đáng tự hào: Tất cả các thí sinh của 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và chọn các dự án dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế đều đoạt giải.

Chúc mừng các em, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đồng thời nhắn nhủ: “Các em đừng quá tự gây áp lực cho chính bản thân mình. Mong các bậc phụ huynh đừng quá gây áp lực cho các em”.

Lắng nghe để vượt lên chính mình

Cuối tuần qua, Bộ GDĐT đã tổ chức lễ tuyên dương học sinh đạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi gặp mặt trao tặng Huân chương Lao động cho 19 học sinh đoạt giải, 6 em khác được Thủ tướng tặng bằng khen.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn đến các thầy, cô giáo, gia đình và các em học sinh đã phấn đấu không mệt mỏi để có thành tích như ngày hôm nay. Theo Chủ tịch nước, tấm huy chương là sự khởi đầu cho tương lai của các em. Sự khởi đầu này không phải ai cũng có được, thành tích này của các em còn tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên cả nước nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập.

Cũng với ý nghĩa sức mạnh của tấm huy chương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhắn nhủ tới các em học sinh và những bậc làm cha, làm mẹ về mong muốn đừng tạo áp lực cho chính mình và con em mình. Bởi khi đó, “những tấm huy chương dành cho các em ngày hôm nay sẽ là một gánh nặng trong chặng đường sắp tới. Hãy xem những tấm huy chương là năng lượng cho chặng đường sắp tới và là sự động viên cho tương lai”.

Những lời động viên đầy chia sẻ của người đứng đầu ngành giáo dục nước nhà cho thấy sự thấu hiểu của ông đối với thế hệ học sinh hôm nay đang đứng trước những lựa chọn khác nhau và đều không dễ dàng, như ông đã nói: “Tiếp nhận thất bại là một việc khó, nhưng đón nhận vinh quang cũng không hề dễ. Các em cần nhìn nhận đây là một sự động viên trong chặng đường dài sắp tới”.

Với một năng lực tiềm tàng và những khả năng đặc biệt, điều quan trọng nhất là các em phải biết lập chí, tức là xác định con đường cần đi, khoảng cần phấn đấu, tầm nhìn nghề nghiệp và biết phải đi như thế nào. Nếu sự lập chí của con người nhỏ bé, người ta sẽ dễ thỏa mãn. Nếu như đích cần hướng đến quá lớn và rộng dài chúng ta sẽ dễ mệt mỏi và thoái chí. Nên, không ai hết, chính các em hãy lắng nghe bản thân mình, biết mình cần làm gì và biết làm gì để ra sức gắng mà đạt được.

“Các em hãy chọn con đường phù hợp, nhưng con đường đó cần có một khoảng rộng cho những con người đang được xem là mầm tài năng có thể thể hiện. Quan trọng là trong sự phấn đấu mỗi ngày, ngày hôm sau các em cảm thấy đã vượt lên chính mình của ngày hôm trước” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Hướng đi nào tiếp theo?

Nói về con đường tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, học sinh có thể học tiếp trong nước, có thể học ở nước ngoài, có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu thấy thích hợp nhưng quan trọng là bên cạnh sự rèn luyện, tri thức, năng lực làm việc, mong các em hãy quan tâm đến cách sống, quan tâm đến nghệ thuật, đến những điều mà các em cảm thấy hạnh phúc. Và chỉ sống một cuộc sống hạnh phúc thì các em mới có thể làm những việc lớn cho quê hương, cho đất nước và nhân loại. Dù ở nơi đâu, các em hãy thể hiện mình là người tốt, là công dân Việt Nam, đã từng nhận những tấm huy chương và nhận được sự kỳ vọng của rất nhiều người. “Mong các em sống tốt, tự khẳng định được mình. Trước hết, hãy đem lại niềm vinh quang cho chính mình, và theo đó, gia đình, đất nước cũng được vinh quang” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cống hiến là không biên giới. Dù ở Việt Nam hay nước ngoài thì người Việt cũng đều có thể cống hiến cho Tổ quốc bằng cách này hay cách khác. Song rõ ràng, nếu như Việt Nam có được một chính sách dài hơi để phát huy những trí tuệ Việt này ngay trên chính mảnh đất quê hương thì sẽ tuyệt vời hơn biết bao.

5 năm qua (từ năm học 2016 - 2017 đến nay), Việt Nam đã giành 162 huy chương ở các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, trong đó có 51 huy chương Vàng, 67 huy chương Bạc và 44 huy chương Đồng. Từng có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trăn trở, đặt câu hỏi về việc tiếp sau những tấm huy chương, ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung cần làm gì để phát huy tối đa những năng lực vượt trội, những tiềm năng lớn này để đưa các em đi xa, đạt thành công lớn hơn trong tương lai cho chính các em và góp phần làm rạng danh đất nước?

Câu hỏi này không dễ trả lời và cũng không thể trả lời trong một sớm một chiều mà cần những chính sách dài hơi, bài bản để thúc đẩy những tài năng vươn xa hơn nữa trên chính mảnh đất quê nhà, nơi không chỉ nuôi dưỡng mà còn chắp cánh những ước mơ của các em. Điều đó không chỉ cần sự nỗ lực của riêng ngành giáo dục mà là câu chuyện quốc gia, cần sự chung tay của tất cả các cấp các ngành trong việc tạo điều kiện để người giỏi phát huy được khả năng, trí tuệ của mình thay vì những thành công vang dội của các em nơi xứ người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để tấm huy chương trở thành gánh nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO