Tháng Công nhân là thời điểm toàn xã hội dành nhiều sự quan tâm đến đời sống, vật chất tinh thần của công nhân. Tuy nhiên, một “góc khuất” không dễ có lời giải chính là tín dụng đen. Lợi dụng người lao động gặp khó về tài chính, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến người lao động, nhất là những khu công nghiệp, khu chế xuất. Không ít người vì cả tin, chủ quan đã trở thành “con nợ” của tín dụng đen.
Hiện các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho công nhân vay vốn thuận lợi để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen.
Hãi hùng khi bị tín dụng đen “siết nợ”
Đến bây giờ chị Vân Anh, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn không xóa được ký ức kinh hoàng những ngày bị tín dụng đen “siết nợ”. Câu chuyện bắt đầu từ việc chồng chị phải nghỉ việc, chị sinh con thứ ba chưa lâu, chi phí cuộc sống mỗi ngày mỗi tốn. Gia đình chồng lúc đó có việc cần số tiền khoảng 30 triệu đồng. Nghĩ việc vay ngân hàng nhiều thủ tục phức tạp, trong khi dịch vụ cho vay được quảng bá, thủ tục nhanh gọn, tiền về tay trong ngày lại nở rộ. Thậm chí, chỉ cần mỗi tấm thẻ căn cước công dân cũng có thể vay tiền. Nhưng đến khi ký xong giao dịch chị mới ngã ngửa ra. Chị vay 30 triệu đồng, nhưng chỉ được cầm về 25 triệu đồng. Còn 5 triệu đồng kia được trừ để “trả trước tiền lãi”.
Chị Vân Anh nhớ lại, “chỉ sau vài tháng mà số tiền phải trả đã nhảy vọt lên 40 triệu đồng. Đúng thời điểm khó khăn, tôi lại không muốn gia đình biết mình phải đi vay nợ nên định cố gắng âm thầm thu xếp. Nhưng họ siết nợ bằng cách nhắn tin, gọi điện hàng loạt đến gia đình, họ hàng, bạn bè. Điều khủng khiếp nhất là mọi người nghĩ tôi tham lam chơi “họ”, dẫn đến “vỡ họ”, hoặc tôi lừa đảo người khác. Đi đâu mọi người cũng dị nghị. Rất may sau đó, anh em trong nhà đã cho tôi mượn tiền thanh toán, để tạm qua khó khăn”.
Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen lại bắt đầu tìm đường trở lại. Một trong những mục tiêu chính là những khu vực đông công nhân lao động. Trong bối cảnh lương chưa tăng mà giá đã leo thang, không ít công nhân gặp khó khăn. Các nhóm đối tượng cho vay tín dụng đen đã đi rải tờ rơi khắp nơi. Tờ rơi được các đối tượng thiết kế nhỏ gọn và thả vào các nhà trọ, nhà dân. Nội dung tờ rơi rất ngắn gọn, đánh vào những người khó khăn cần tiền gấp như: Cho vay tiền trả góp, thủ tục đơn giản, xét duyệt nhanh. Ngoài ra, các đối tượng còn chi hoa hồng cho ai giới thiệu khách. Thực tế, nhiều công nhân do chưa được thông tin đầy đủ, nghe những lời giới thiệu “bùi tai” đã dính “bẫy” tín dụng đen, mà chị Vân Anh chỉ là một trong số đó.
Để bảo vệ công nhân, người lao động (NLĐ), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng đã nhanh chóng vào cuộc. Khảo sát của Tổng LĐLĐ cho thấy nạn tín dụng đen đã và đang hoành hành tại các khu công nghiệp khắp cả nước, phổ biến ở: Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Quảng Nam… với nhiều chiêu trò.
Ngăn chặn từ sớm, từ xa
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện nay công ty có tới 37.000 NLĐ, do vậy việc kiểm soát tín dụng đen, vay nặng lãi rất khó khăn. Những nhóm cho vay không chỉ gây sức ép đòi nợ lên người vay tiền mà còn “khủng bố” cả Chủ tịch Công đoàn, buộc ông phải gửi đơn đến cơ quan công an. Trước đó, số điện thoại của ông vốn được công bố ở công ty cũng bị công nhân đưa cho các đối tượng vay tín dụng đen làm tin. Ông Tú đã đề xuất để công ty phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng ngăn chặn tín dụng đen từ sớm. Trước mắt, công ty ông Tú đã liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ NLĐ lúc gặp khó khăn, tránh tìm tới tín dụng đen.
Còn tại Hà Nội, để góp phần xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đoàn viên, NLĐ, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, đến hết năm 2023, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội có khoảng 167.000 người. Công tác bảo vệ, chăm lo quyền lợi chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động đã được tổ chức công đoàn quan tâm, thực hiện tốt. Tuy nhiên, đời sống công nhân còn gặp nhiều khó khăn nên rất hay bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất đã phối hợp với lực lượng công an đến các doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác phòng, chống tội phạm và hoạt động tín dụng đen… Từ đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp công nhân lao động cảnh giác với các loại tội phạm, không bị lôi kéo, sa đà vào các tệ nạn xã hội.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn - Phó trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, nhiều nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay qua app trực tiếp điều hành đội ngũ đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen” với tính chất liều lĩnh, manh động. Nếu NLĐ không trả tiền đúng hẹn, các đối tượng hoạt động tín dụng đen sẽ khủng bố điện thoại, đe dọa cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn công đoàn đơn vị.
“Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao đối với công nhân, NLĐ, cần tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực lao động, góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội” - ông Tuấn cho biết.
Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của phần lớn công nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của NLĐ còn hạn chế. Trước thực trạng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động; tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phổ biến rộng rãi về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động, kết nối đầu mối cho vay. Ở những nơi có tín dụng đen hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ...
Ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia:
Cần sàng lọc thông tin để tránh đối tượng xấu lợi dụng
Hầu hết các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng hiện nay là do người dân bị lộ thông tin cá nhân qua mạng xã hội. Các đối tượng mua bán thông tin trên các website chợ đen, lấy thông tin giả mạo là cơ quan chức năng, tổ chức tài chính lừa đảo… Một trong những hình thức lừa đảo công nhân thời gian gần đây là việc nhẹ lương cao và tín dụng đen, thao túng tâm lý của NLĐ để chiếm đoạt tài sản và tạo tài khoản giả để lừa đảo bạn bè của người dùng. Nhiều NLĐ đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Do đó, NLĐ cần phải sàng lọc thông tin, không đăng tải thông tin công khai, chỉ đưa vào chế độ bạn bè sẽ hạn chế được phần nào việc mất tài khoản Facebook cũng như hạn chế các đối tượng xấu dụ dỗ vay tín dụng đen thông qua một số kênh thông tin như thế này.
Thượng tá Phan Văn Đuộc - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Cảnh sát nhân dân:
Công đoàn cần nhạy bén xử lý kịp thời
Tình trạng sa vào tín dụng đen, bị lừa đảo qua mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân lao động. Điển hình trong số đó là hình thức cho vay online khiến nhiều công nhân rơi vào vòng xoáy nợ nần. Trước tình trạng này, công đoàn cơ sở phải chủ động, nhạy bén phát hiện, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình hình phức tạp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động công đoàn; làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ; chủ động lắng nghe, giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong công nhân.