“Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai” - nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của trẻ em đối với gia đình và xã hội, những năm qua nước ta đã và đang có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những mảnh đời khó khăn, bất hạnh; bởi vậy, công tác này rất cần sự chung tay góp sức thường xuyên của cả cộng đồng.
Cần tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em ở mọi nơi.
1. Từ đầu tháng 6 năm nay, cả nước bước vào Tháng Hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em”. Tháng Hành động vì trẻ em năm nay truyền tải tới cộng đồng nhiều thông điệp có ý nghĩa như: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em…
Trước đó, tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Trẻ em là những thông điệp sống mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.
Còn mới đây, tại Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống đuối nước trẻ em” tổ chức ở Trường THCS Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việt Nam đang phát triển, đất nước còn nghèo, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta xóa đói giảm nghèo nói chung nhưng đặc biệt phải chú ý hơn đến trẻ em. Năm 2019 là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước về quyền trẻ em, năm thứ 25 chúng ta tổ chức Tháng Hành động vì trẻ em. Theo Luật Trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền, các cháu cần được phổ biến đầy đủ. Bên cạnh các phong trào phát động, cần chú ý thực hiện thật tốt quyền của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, xã hội. Cần làm cho mọi người trong xã hội, nhất là trẻ em biết được quyền của mình...
Phó Thủ tướng lưu ý 2 điểm cần đặc biệt lưu ý trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Thứ nhất, cách giáo dục trẻ em thường nghiêm khắc, uốn nắn từ đầu, “Yêu cho roi, cho vọt/ Ghét cho ngọt, cho bùi”. Nhưng xã hội ngày càng phát triển thì quan niệm này phải được hiểu cho đúng, cho hợp với thời đại. Chúng ta nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, tình thương nhưng cách thể hiện không phải bằng roi, vọt hay những câu nói, thái độ gây tổn thương cho trẻ em. Thứ hai, chúng ta đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, làm theo người lớn. Chúng ta hãy tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em nói để biết các cháu muốn gì, được tham gia, bày tỏ ý kiến của mình. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn: “Tất cả chúng ta hãy thực sự chăm sóc cho thế hệ mai sau của gia đình mình, dòng tộc mình, quê hương mình, đất nước mình, thế giới của mình thực sự thiết thực. Đầu tiên phải tăng cường tuyên truyền về các quyền trẻ em theo đúng Luật Trẻ em”.
2. Cũng tại buổi lễ phát động nói trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước ta hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước), trong đó vùng trung du - miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em nghèo cao nhất (chiếm 41,5% số trẻ em nghèo). Việc triển khai thực hiện các quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức (khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về cơ hội phát triển và đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc vẫn còn khác nhau); mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2019 cần tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; vận động toàn xã hội chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số…
Triển khai kế hoạch hành động, nhiều địa phương trên cả nước đã có những hoạt động cụ thể. Theo đó, tại Quảng Bình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Quảng Ninh phối hợp tổ chức Lễ phát động, diễu hành hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Theo ông Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình: Quảng Bình là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, xã hội. Trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, tai nạn thương tích, bỏ học còn xảy ra tại một số nơi, trẻ em đuối nước có xu hướng gia tăng. Tháng Hành động vì trẻ em là hoạt động thường niên, liên tục nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Còn theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 230 nghìn trẻ em, chiếm hơn 32% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 149 nghìn trẻ em người dân tộc thiểu số; trên 10 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, bỏ rơi, không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo…). Từ thực tế trên cho thấy, nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ, học tập của trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Hướng tới mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được thụ hưởng sự phát triển một cách bình đẳng, tỉnh Lào Cai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều chính sách cho trẻ em.
Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em và chương trình bảo vệ trẻ em của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập và duy trì hoạt động 5 mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em phải lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm tại các xã: Bản Vược (Bát Xát); Hoàng Thu Phố (Bắc Hà); Thượng Hà (Bảo Yên); Thị trấn Mường Khương (Mường Khương), Bản Mế (Si Ma Cai). Việc duy trì các mô hình ở các xã nêu trên đã cơ bản giải quyết dứt điểm và không còn tình trạng trẻ em phải tham gia lao động làm kinh tế trong gia đình. Nhiều hộ gia đình được được hỗ trợ tham gia mô hình nhóm phát triển kinh tế giúp nâng cao đời sống để tạo điều kiện cho trẻ em tham gia học tập; người dân trên địa bàn được nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, ngừa chống lao động trẻ em…