Đuối nước, ngày trước gọi là chết đuối luôn gây ra sự ám ảnh cho mọi người. Đó là những cái chết đau lòng. Đặc biệt, với trẻ em, đuối nước lấy đi mạng sống của những chồi non, lại càng khiến người ta đau lòng hơn. 2 vụ đuối nước liên tiếp gần đây ở Quảng Ngãi, cho dù mùa mưa chưa đến thêm một lần nữa cảnh báo nạn đuối nước cần phải có giải pháp xử lý triệt để.
Những em nhỏ đưa tiễn các bạn
bị đuối nước ngày 15/4 tại thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi).
Khoảng 12 giờ trưa ngày 15/4, người dân xung quanh khu vực sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) nghe tiếng la hét, kêu cứu thất thanh vọng tới từ sông Trà Khúc. Khi mọi người chạy đến thì thấy một nhóm em nhỏ chới với giữa dòng sông. Nhiều người lao xuống nhưng không kịp.
Thật đau lòng, có tới 9 học sinh của Trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) bị chết đuối. Công tác tìm kiếm cũng rất vất vả, cho đến cuối chiều hôm ấy người ta mới đưa được thi thể của các em lên bờ.
Cũng tại Quảng Ngãi, ngay sau vụ đuối nước thảm khốc làm 9 học sinh bị chết, thì 2 ngày sau lại thêm 2 em nhỏ, một cháu 4 tuổi và một cháu 2 tuổi (trú tại xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), hai anh em đưa nhau đi chơi đã ngã vào bể tự hoại đang xây dựng và tử vong. Nhưng nào đã hết, trước đó 1 ngày, ngày 16/4, một vụ đuối nước cũng đã xảy ra tại suối Lũng Ô (xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Một học sinh lớp 12 (17 tuổi) khi đến suối Lũng Ô tắm đã bị chết đuối.
Như vậy, liên tiếp trong 3 ngày (15, 16, 17) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 12 em bị chết đuối. Đó là chuyện rất không bình thường. Vì sao, mùa mưa chưa đến, nước các dòng sông chưa dâng cao và cũng chưa đến những tháng hè học sinh được nghỉ học- mà đã có quá nhiều các em bị chết đuối.
Như vậy là, mặc dù chưa đến nghỉ hè nhưng mọi người lại ngỡ ngàng và bàng hoàng trước nỗi đau đuối nước ở trẻ nhỏ. Nụ cười của hàng ngàn, hàng ngàn học sinh vụt tắt khi tắm sông, tắm hồ, trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều người phải thốt lên: “Đau đớn quá!”.
Theo thống kê, Việt Nam là nước có số trẻ đuối nước cao nhất khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Còn theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mỗi năm có 3.500 - 4.000 trẻ bị chết đuối. Con số quá lớn! Đuối nước vì thế có thể nói đang tăng cao, nhưng nhiều hơn cả là ở nông thôn, vùng sông nước. Được biết, chết đuối là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dưới 18 tuổi tử vong.
Năm nào cũng vậy cứ mỗi lần hè về số vụ đuối nước thương tâm ở trẻ nhỏ liên tiếp xảy ra khiến gia đình lo lắng, xã hội băn khoăn. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước tăng là do thiếu sân chơi vào dịp hè cho trẻ nhỏ buộc các em tìm đến sông, suối, kênh, rạch mong muốn được tắm mát, được bơi lội tung tăng.
Nhu cầu thỏa sức vui chơi của trẻ hoàn toàn đúng đắn, chính đáng song trẻ nhỏ không nhận thức ra rằng, sự bất trắc trong môi trường sống không trừ một ai và nguy cơ đuối nước luôn luôn rình rập các em.
Nhận thức rõ nhu cầu của học sinh đồng thời mong muốn bảo vệ các em, năm 2010 Bộ GD-ĐT đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ tiểu học. Thế nhưng sau hơn 5 năm áp dụng chương trình phổ cập bơi cho trẻ vẫn nằm trên giấy vì hàng loạt rào cản.
Đơn cử, thành phố không thể phát triển rộng chương trình dạy bơi cho học sinh vì thiếu quỹ đất xây dựng bể bơi, nông thôn có đất nhưng lại không có kinh phí. Không chỉ là quỹ đất, kinh phí xây dựng vấn đề duy tu và bảo dưỡng cũng gặp khó khăn.
Để giải quyết bài toán dạy bơi cho trẻ nhiều tỉnh có ý tưởng xã hội hóa hệ thống hồ bơi song ý tưởng này không nhận được sự đồng tình ủng hộ. Kết quả, chương trình trang bị kỹ năng bơi chống đuối nước cho trẻ đang rơi vào bế tắc nên trẻ phải tự bơi. Hậu quả của việc trẻ tự bơi là sự gia tăng về con số thống kê trẻ đuối nước.