Ngày 27/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho ý kiến đối với 5 nội dung, gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông”, các thành viên Chính phủ thảo luận, đóng góp ý kiến về việc tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án hợp tác công tư; huy động ngân sách địa phương tham gia các dự án quốc gia có sự hỗ trợ ngân sách của Trung ương; việc giao cho các địa phương làm chủ quản đầu tư các dự án liên kết vùng.
Về “Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”, các thành viên Chính phủ thảo luận các nội dung về mở rộng, cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Chính phủ cho rằng, việc điều chỉnh trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam.
Đối với Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ xem xét về điều kiện, yêu cầu xây dựng Luật; thủ tục, trình tự xây dựng Luật; tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Đặc biệt, các thành viên Chính phủ thảo luận sâu đối với các nội dung mới như việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, cho người gốc Việt Nam ở nước ngoài, tích hợp thông tin trên cơ sở dữ liệu.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược đã được tích cực thúc đẩy. Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công việc này thì tới đây phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Thực tế, bộ ngành nào, bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, quan tâm công tác này thì công việc trôi chảy, tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành nếu chưa kiện toàn bộ phận chủ trì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế thì phải quan tâm kiện toàn, bố trí nguồn lực, con người, thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác này. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng thẩm định các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. “Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến phải bảo đảm việc góp ý đúng tiến độ và thực sự chất lượng. Không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu” - Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ đã tập trung cao độ, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế, Thủ tướng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 16 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng giao các bộ, cơ quan chủ trì tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan của Quốc hội; hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo chính sách theo quy định; hoàn thiện, trình văn bản cấp có thẩm quyền theo quy trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thủ tướng nêu rõ: Cái gì đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, có tính ổn định thì luật hóa; cái gì chưa chắc chắn, chưa được kiểm nghiệm qua thực tế thì nghiên cứu thử nghiệm, rút kinh nghiệm và mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội. Việc xây dựng pháp luật phải tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ được các điểm nghẽn phục vụ cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát.