Ngày 28/7, tại hội thảo khoa học “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá cao hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo ông Quân, công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26,6% năm 2011 đến 28,5% vào năm 2019.
“Việt Nam đã có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dệt may, khởi nguồn từ nhà máy dệt Nam Định. Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp luyện kim, gắn với khu gang thép Thái Nguyên. Ngoài ra còn có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp mía đường, ngành công nghệ hóa dầu, ngành công nghiệp phần mềm… Nhưng những kết quả đạt được đến thời điểm này vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều những doanh nghiệp, những thương hiệu khoa học công nghệ mang tầm khu vực và quốc tế. Vậy đâu là nguyên nhân, có phải do vấn đề thể chế hay do phân bổ nguồn lực còn dàn trải?”- ông Quân đặt câu hỏi.
Đánh giá cao những kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà cả nước đạt được, song ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chỉ ra những điểm yếu của công nghiệp hóa.
Theo đó, công nghiệp của Việt Nam chủ yếu là khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều lao động, không dựa trên đổi mới sáng tạo nên năng suất thấp. Kết quả, sản phẩm phần lớn là gia công, lắp ráp, nguyên phụ liệu thì nhập khẩu. Nếu không thay đổi hướng phát triển nguy cơ Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới với giá trị gia tăng cực thấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Công nghiệp hóa phải có vốn, có công nghệ gắn với chuyển đổi số và sáng tạo. Tránh trường hợp thế giới thu lợi nhuận, còn Việt Nam chỉ gia công”- ông Thắng nhấn mạnh và lý giải, thời gian qua giá trị cũng như sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) FDI áp đảo DN trong nước. DN Việt tham gia chuỗi cung toàn cầu rất ít. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc vào khu vực DN FDI.
Năm 2021, Samsung Việt Nam xuất khẩu 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, tương đương bằng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề đối với việc hình thành các nhóm nhành công nghiệp hỗ trợ để tạo nền tảng và động lực cho các công ty vừa và nhỏ tham gia vào các thị trường ngách của ngành như lĩnh vực chuyển đổi số trong DN, làng thông minh, đô thị thông minh.
“Trong 12 chỉ số quốc gia so với các nước thì Việt Nam có 2 chỉ số đổi mới sáng tạo và sẵn sàng công nghệ, thấp so với các quốc gia khác. Chúng ta cần phải hành động để thay đổi hai chỉ số này”- PGS.TS Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM trăn trở đồng thời cho rằng phát triển công nghiệp phải dựa trên thế mạnh của từng quốc gia. Ông Thăng dẫn chứng, Hàn Quốc phát triển đất nước dựa trên công nghiệp nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, vì vậy Hàn Quốc nhanh chóng trở thành quốc gia hùng cường.
“Việt Nam nên nhắm vào thị trường ngách với giá trị gia tăng cao khi tiến hành công nghiệp hóa. Theo đó, công nghiệp hóa trong nông nghiệp; hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện có nhưng không dàn trải mà phải trọng tâm; phát triển công nghiệp kỹ thuật số; phát triển dịch vụ mới hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh mới và giá trị gia tăng cao” - ông Thăng hiến kế.
Dựa trên những phân tích cụ thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tài nguyên rồi sẽ cạn, nhân công rồi sẽ già. Chỉ có nguồn lực trí tuệ là bền vững. Vì vậy cần phải thay đổi khi tiến hành công nghiệp hóa.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thời gian qua Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay bối cảnh quốc tế phức tạp, biến động cùng với xu thế mới của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sâu rộng và đa chiều. Trước những yêu cầu mới, Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với nâng cao nội lực, đảm bảo tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế.
Trong đó, xây dựng kinh tế quốc gia vững mạnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn những dự án đầu tư công nghệ.