Thầy giáo cũ của tôi có bố là liệt sĩ chống Pháp, anh trai thầy hy sinh hồi chiến tranh chống Mỹ, ngần ấy năm chưa biết hài cốt ở đâu. Ngần ấy năm lặn lội đi tìm trong nỗi chờ mòn mỏi của bà cụ.
Cho đến lúc bà cụ không chờ được nữa, trước khi nhắm mắt vẫn nắm chặt tay con trai: “Cố tìm anh mày về”. Bây giờ thầy đã 70 tuổi, năm nào cũng vẫn đi tìm, mòn mỏi, không phải vì còn bà cụ vẫn mòn mỏi chờ mà vì câu gửi gắm cuối cùng, nặng như một tảng đá.
Tôi nhớ đến câu chuyện của thầy khi vừa nghe tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong lúc thảo luận, các đại biểu còn đang băn khoăn xem có nên “đếm số con” để quy ra mức trợ cấp cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay cứ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì đều được trợ cấp đủ để sống đàng hoàng.
Như vậy là theo Dự án Pháp lệnh này thì Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 1 con duy nhất là liệt sĩ sẽ có khoảng cách lớn về trợ cấp tuất hàng tháng so với bà mẹ có từ 2 con liệt sĩ trở lên. Trong cơ quan thẩm tra dự án có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất thống nhất đề xuất trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ song mức tối thiểu bằng mức bà mẹ Việt Nam anh hùng có 2 thân nhân là liệt sĩ…
Đành rằng việc làm luật, pháp lệnh cần có những quy định chặt chẽ và trong quá trình soạn thảo cũng cần những ý kiến mổ xẻ phân tích, nhưng đứng ở góc độ con người, riêng trong việc này đáng lẽ thật không nên xuất hiện lối tư duy Mẹ Việt Nam anh hùng có 1 con duy nhất hy sinh thì được hưởng ít trợ cấp hơn mẹ có hơn 1 người con hy sinh.
Cái tư duy mà trong lúc thảo luận nhiều đại biểu gọi là “đếm số con” để trợ cấp. Kiểu tư duy mà sau đó trong phiên thảo luận Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặc biệt lưu ý là với Mẹ Việt Nam anh hùng thì phải trợ cấp để sống được chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp.
“Một con hy sinh cũng đau đớn lắm, phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt”.
Cả nước cho đến giờ còn gần 13.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, hầu hết đều đã cao tuổi. Nói như ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì chăm lo cho người có công không chỉ là vấn đề chính sách mà là việc nghĩa tình “với các mẹ, Nhà nước cần chăm lo chế độ đầy đủ, không “đếm” mẹ mất bao nhiêu con”.
Đất nước trải qua biết bao cuộc chiến tranh vệ quốc, những mất mát hy sinh lớn lao của cả dân tộc không thể nào đong đếm được. Trong đó, nỗi đau của những bà mẹ có chồng con hy sinh ở chiến trường lại càng không bao giờ đếm được. Có một người con hy sinh hay có nhiều con hy sinh thì với lòng mẹ, nỗi đau đều không thể đem ra phân tích, định lượng được.
Trợ cấp cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay chính sách người có công hôm nay chỉ là việc để thể hiện lòng tri ân, là đạo lý. Không gói trợ cấp nào bù đắp được nỗi đau, sự mất mát. “Đếm số con” hy sinh để quy ra mức trợ cấp cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng quả là việc nghe thấy mà chạnh lòng.
Hơn 2.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, đã đủ là định lượng cho những sự hy sinh hay không? Khi mà có những nỗi đau như bà cụ thân sinh thầy tôi mang theo khi nhắm mắt, không bao giờ định lượng được. “Đếm” thế nào để ra mức trợ cấp bây giờ?
Không ai nói những sự hy sinh có thể định lượng được khi nhìn vào con số hơn 2 vạn người Việt Nam yêu nước ngã xuống ở nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), không đủ mộ cho hơn 2 vạn linh hồn. Nhiều thập niên đã trôi qua sau chiến tranh nhưng những nỗi đau thì thời gian chưa xoá được trong lòng các bà mẹ Việt Nam, những nỗi đau có thật, những đứa con không trở về rất thật.
Không ai định lượng được sự hy sinh, không ai đếm được những nỗi đau. Đã đành rằng chính sách thì phải có quy định rõ ràng, rạch ròi, nhưng xin đừng đếm nỗi đau để quy ra mức trợ cấp. Làm chính sách xin đừng vô cảm. Một người con không trở về hay mấy người con không trở về thì đều là nỗi đau của Mẹ. Khi mà có thể còn có những người mẹ trước khi nhắm mắt còn đau đáu vì chưa tìm được hài cốt của con.
Cả nước còn gần 13.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Nghe bàn về mức trợ cấp cho gần 13.000 bà mẹ mà còn định “đếm số con” quy ra mức trợ cấp, không thể không chạnh buồn nghĩ đến những dự án cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng thất thoát.
Người ta có thể bớt hoang phí, bớt tham nhũng để có thể có được mức trợ cấp sống tốt, sống đàng hoàng cho các Mẹ. Những bà mẹ đã sinh ra những người con hiến dâng đời mình cho Tổ quốc.