Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát song “sức khỏe” của cả doanh nghiệp lẫn người dân đều suy yếu. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH TP Hải Phòng đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Cả 2 kỳ họp của Quốc hội khóa XV đều diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19. Vậy qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, những vấn đề nào được cử tri quan tâm, phản ánh kiến nghị đối với Quốc hội tại kỳ họp này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Trước hết, cử tri rất quan tâm và lo lắng về những tác động tiêu cực, nhiều mặt và khó lường của đại dịch Covid-19, đồng thời cũng bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng và đánh giá rất cao các chủ trương, chính sách, giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh trong thời gian qua. Cử tri tiếp tục đặt niềm tin vào sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sự thống nhất trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm, khả năng vận dụng sáng tạo và phối hợp hiệu quả của các cấp lãnh đạo địa phương để bảo đảm mức độ tuân thủ cao của toàn xã hội, nhanh chóng kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, trong khi vẫn phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.
Bên cạnh đó, cử tri cũng rất kỳ vọng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung một số Luật mới như Luật Thi đua, khen thưởng; Tố tụng hình sự; Cảnh sát cơ động... Đặc biệt, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, ủng hộ và trao cho TP Hải Phòng các cơ chế, chính sách đặc biệt để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế không chỉ của riêng Hải Phòng mà còn của cả khu vực phía Bắc.
Cá nhân ông có kỳ vọng gì ở kỳ họp lần này, thưa ông?
- Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tập trung rà soát, thảo luận, xem xét, bổ sung và thông qua nhiều luật quan trọng như đã nói trên. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho ý kiến, đánh giá, thẩm định và thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2022. Xem xét và cho ý kiến vào dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kết quả cuộc họp lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ là những quốc sách quan trọng, là bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XIII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tôi kỳ vọng các quan điểm và tiếp cận mới trong cuộc chiến chống Covid-19 cần phải làm sao để bảo đảm đạt được mục tiêu “kép” và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng. Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách để hỗ trợ. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ đó?
- Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh, toàn diện đến các mặt kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân. Covid-19 đã cướp đi của cải và tính mạng của người dân, gây thiệt hại lớn đối với các DN và chia cắt chuỗi sản xuất - cung ứng ở các cấp độ. Cho nên, cùng với việc nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, Chính phủ và các chính quyền địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN và người dân. Đây là một cố gắng lớn, đáng ghi nhận khi thể hiện tính kịp thời, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam.
Tình hình đất nước như vậy cũng đòi hỏi các DN luôn đổi mới, sáng tạo, thực tế và tiếp cận linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh để khắc phục và tháo gỡ dần khó khăn, đưa các hoạt động của DN về điều kiện “bình thường mới”. Tôi tin các DN nước ta sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu, thích ứng linh hoạt và an toàn, phục hồi từng bước, tạo đà bứt phá trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã chuyển từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn”. Như vậy cần phải ưu tiên cho kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế. Theo ông, quá trình này phải chú trọng những điểm gì?
- Đó là quan điểm chỉ đạo có tính bao trùm và xuyên suốt theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII). Theo đó, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu phải chuyển từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn” trên cơ sở điều chỉnh linh hoạt để vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Do đó, các vấn đề và biện pháp liên quan đến kiểm soát và thích ứng với Covid cần được cân nhắc, tính toán và tích hợp khi xây dựng các kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp độ. Chú trọng tái cấu trúc nền kinh tế, ưu tiên phục hồi sản xuất và giữ vững chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc liên kết và giao thông giữa các địa phương. Tuyệt đối không được chủ quan, cát cứ, cần hợp tác “tương thân tương ái” để tiếp tục giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đồng lòng vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” và bảo đảm “mục tiêu kép”. Từng bước duy trì điều kiện bình thường mới và sớm đưa đất nước bình yên trở lại, thực hiện thành công khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng như đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!