Ngày 27/7- đúng ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), tại Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, đoàn công tác do ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã hoà cùng dòng người nối nhau chầm chậm một lối về tri ân, để chạm tay vào quá khứ và thấm thía có những điều không được lãng quên.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh tham quan triển lãm ảnh "Khoảnh khắc Đồng Lộc" tại Đền thờ các liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc.
50 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, tất cả con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc.
Xác định được vị trí chiến lược này, từ năm 1964 đến năm 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Hơn 50.000 quả bom các loại đã thả xuống nơi này, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom.
Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.
50 năm đã trôi qua, những ầm ào đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, Đồng Lộc hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S, nơi mà mưa bom đạn dội năm nào đều đã thay màu đổi mới và cả khi những màu xanh chưa kịp phủ kín những hố bom thì vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư mỗi người khi đến nơi này.
Hoà trong dòng người ấy, bà Võ Thị Thanh, cựu TNXP, ở Trung Lộc, Can Lộc chia sẻ rằng, ở vào thời điểm đó, với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí của lực lượng TNXP.
Những bông hoa thơm thành kính dâng lên 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong đã ngã xuống ở Đồng Lộc.
Trong không gian tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh bày tỏ sự tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường của lực lượng TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Hiện nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng lẫn con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người.
Chính sách đối với người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người.
Các hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công liên tục được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hà Tĩnh hiện có 28.455 liệt sỹ; 47.163 thương, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; 7.151 người nhiễm chất độc hóa học; 575 người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày. Đến nay, toàn tỉnh có 1.937 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc thực hiện chính sách cho người có công luôn được đội ngũ cán bộ Mặt trận Hà Tĩnh chăm lo bằng tình cảm và trách nhiệm.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh phát biểu tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Từ Văn Diện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, năm qua, công tác an sinh xã hội, vì người nghèo, giảm nghèo bền vững, chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách được Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp quan tâm phối hợp triển khai thực hiện. 6 tháng đầu năm 2018, Quỹ Vì người nghèo các cấp Hà Tĩnh đã huy động được hơn 6.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai kế hoạch kêu gọi, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình chính sách, có công với cách mạng với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Ông Diện nhấn mạnh, hiện nay Hà Tĩnh đã có 115/230 xã về đích nông thôn mới, đến năm 2020 sẽ có khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu của Trung ương giao.
Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, Mặt trận đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động người dân, ổn định tình hình, chăm lo phát triển sản xuất. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, những vấn đề khó khăn đã được giải quyết, người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chia sẻ với những khó khăn của Hà Tĩnh thời gian qua, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đề cao vai trò của Mặt trận Hà Tĩnh.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, Hà Tĩnh là địa phương gặp nhiều khó khăn nhưng vấn đề quan trọng nhất là khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được cũng cố và phát huy, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên.
“Mặt trận cũng làm tốt công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, có nhiều cách làm mới, hiệu quả. Kể cả công tác tổ chức bộ máy, Hà Tĩnh cũng thực hiện có hiệu quả”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, vai trò của Mặt trận cũng thể hiện rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đây là phong trào để lại dấu ấn rất lớn đối với cả nước.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh, các chủ trương của Đảng, cơ chế pháp luật của Nhà nước hiện hành như Luật MTTQ, Quyết định 217, 218, Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 khóa XII đã cho thấy vai trò của Mặt trận đã có sự chuyển hướng rõ rệt.
Trước đây, vai trò Mặt trận chủ yếu thể hiện qua việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, nhưng bây giờ đã dần chuyển hướng sang tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chuyển tải đến cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị, Mặt trận Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời những bức xúc của dân, đồng thời giám sát các cơ quan trong quá trình giải quyết.
Cũng nhân dịp này, đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà 10 gia đình chính sách và trao tặng 3 nhà Đại đoàn kết cho 3 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh thăm và tặng quà gia đình ông Nguyễn Gia Đồng (thôn Yên Quý, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên) - gia đình chính sách.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh trao nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Vĩnh (thôn Trung Dương, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên).
Mặt trận có vai trò to lớn trong việc an dân Theo ông Lê Đình Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Tĩnh, sau sự cố môi trường biển, có những lúc Hà Tĩnh tưởng chừng như không thể gượng dậy nhưng nay đã lấy lại được đà tăng trưởng và phát triển ổn định. Bí thư Lê Đình Sơn cho rằng, có được thành quả này là nhờ chủ trương, đúng, trúng. Chủ trương của tỉnh là dứt khoát phải phát triển và ổn định. Muốn ổn định thì trước tiên người dân phải ổn định. Và làm được việc này có vai trò rất to lớn của Mặt trận trong việc an dân, tạo sự đoàn kết. |