Không đứt gãy, không đổ vỡ

Nguyên Khánh 19/04/2020 08:00

Sắp tới sẽ có Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các doanh nghiệp để Chính phủ lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, tiếp sức và tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nếu“chống dịch như chống giặc”,thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt,như vậy nền kinh tế mới không đứt gãy, không rơi vào đổ vỡ.

Không đứt gãy, không đổ vỡ

Nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động trong hoàn cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy lùi dịch bệnh và đẩy lùi suy thoái đều quan trọng

Những ngày này, chúng ta đang giữa hai cuộc chiến, đó là cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19 bảo vệ sức khỏe của nhân dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Cuộc chiến phòng chống dịch được triển khai khá sớm, bài bản và hiệu quả các giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Nước ta đang trở thành một điển hình thành công trong kiểm soát dịch bệnh.

Trong cuộc chiến kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc với nhiều gói hỗ trợ cho DN về giảm lãi suất ngân hàng, giãn, hoãn thuế, chậm nộp bảo hiểm xã hội…. đó là những động thái tích cực từ Chính phủ nhưng những nỗ lực ấy mới chỉ bước khởi đầu.

Tại sao lại cho rằng đây mới chỉ là những nỗ lực bước đầu bởi đó mới chỉ là cơ chế, chính sách và để từ chính sách vào thực tiễn cuộc sống sẽ là câu chuyện dài. Câu chuyện chính sách luôn luôn đúng nhưng tắc ở khâu thực thi vẫn là một điểm trũng hiện nay. Nếu “chống dịch như chống giặc”, thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân có như vậy nền kinh tế mới không đứt gãy, không rơi vào đổ vỡ.

Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu đó. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân - những vị thuyền trưởng đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được triển khai cuối tháng 3, đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% DN trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp. Gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh. Trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu…

Cũng theo kết quả khảo sát, 73% DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các DN nhìn chung đã chủ động, sáng tạo đưa ra các giải pháp phù hợp kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động. 46% DN không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm. 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực. 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm từ DN. Dù vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt. Do vậy cần sự yểm trợ một cách hiệu quả từ Chính phủ với tinh thần bảo vệ DN là bảo vệ nền kinh tế để DN khỏe mạnh đủ sức chống chọi sự suy giảm của nền kinh tế.

“Tôi tin kinh tế sẽ phục hồi sau dịch”

Ts Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hộiđánh giá, Chính phủ đang làm rất tốt. “Tôi tin là kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế sẽ phục hồi. DN kêu rất nhiều vì thực sự sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó. Nhưng họ cũng đang thấy Chính phủ rất quyết tâm, rất cật lực vừa chống dịch vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

suy giảm kinh tế hiện tại là do dịch bệnh, chứ không phải do khủng hoảng tài chính như lần trước, nên vừa chống dịch vừa phải chuẩn bị thật tốt để duy trì sản xuất, kinh doanh hiện tại và hỗ trợ làm sao đảm bảo an sinh xã hội. Ts Trần Hoàng Ngân khẳng định, quan trọng là kiểm soát dịch thật tốt, sau đó thì kinh tế sẽ phục hồi vì giai đoạn này khác với giai đoạn 2008-2009. Hiện nay, Việt Nam rất chủ động, uy tín trên trường quốc tế tăng cao, sự phục hồi sẽ nhanh hơn.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright nêu quan điểm, lúc này, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều DN có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng, việc làm, cũng như nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.

Đây là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận. Chính phủ cần phản ứng nhanh nhất và hiệu lực nhất với tất cả nguồn lực để ngăn chặn khủng hoảng y tế trở thành khủng hoảng kinh tế và thậm chí trở thành khủng hoảng tài chính và nợ công.

“Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phải xây dựng được niềm tin rằng Chính phủ đã hành động kịp thời, hành động hiệu quả vì lợi ích của người dân và DN. Khi đó, Chính phủ sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này với một trạng thái tự tin và những chính sách sau này của Chính phủ sẽ có hiệu lực hơn rất nhiều”- ông Tự Anh nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, trong giai đoạn chống dịch bệnh thì mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, DN, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”. Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch. Thủ tướng cho biết, sẽ có một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển DN.

Cộng đồng DN ghi nhận đánh giá cao các gói hỗ trợ từ Chính phủ tiếp sức cho DN, tuy nhiên, tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn. Cộng đồng DN mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho DN vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

Không đứt gãy, không đổ vỡ - 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần có một ban chỉ đạo tái khởi động và phục hồi kinh tế

Sau dịch bệnh, nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng vốn mới có chất lượng cao hơn trong một chiến lược đầu tư phi tập trung, đa phương hóa nguồn cung ứng để tránh lệ thuộc quá lớn vào một thị trường của các tập đoàn xuyên quốc gia. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để đón nhận dòng vốn đầu tư mới.

Cộng đồng DN, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện Hội nghị của Thủ tướng với các DN, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế. Sau hội nghị, cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho DN trụ vững và có thểhồi phục trong thời gian tới.Chương trình này cần có có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể.

Ngoài những chính sách cụ thể, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh hai nhiệm vụ quan trọng tổng quan xuyên suốt. Một là, tập trung thực hiện các cái giải pháp tại Nghị quyết 02 /NQ-CP của Chính phủ về cải thiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môitrường đầu tư kinh doanh.Hai là, cần rà soát các vướng mắc, xung đột, bất hợp lý về thể chế, nhất là về đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN. Trong bối cảnh này, rõ ràng cải thiện môi trường kinh doanh cần phải vượt lên chính mình để hoàn thành vượt mức.Để có được một cơ chế thường xuyên phối hợp các mũi giáp công để duy trìtăng trưởng và phục hồi kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao giống như trong công tác phòng chống dịch bệnh, cần có một ban chỉ đạo tái khởi động và phục hồi kinh tế do lãnh đạo Chính phủ đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đứt gãy, không đổ vỡ