Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, luật đã quy định rõ. Bây giờ không cần giải thích thêm nữa. Đây không phải là “đầu tư công”, nếu giải thích là không phù hợp. Do đó về quản lý vẫn phải theo Luật Quản lý nợ công.
Chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về việc áp dụng khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng nên không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên.
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (Luật Đầu tư công năm 2019) đã được Quốc hội Khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, do tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định mới về định nghĩa vốn đầu tư công nên trong quá trình triển khai thực hiện còn có cách hiểu khác nhau.
Đơn cử như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Đối chiếu các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019, vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là khoản để bù đắp bội chi. Do đó không thuộc phạm vi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 nên không phải là vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính thì các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo cơ chế cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là khoản vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và không phải là vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, các khoản vốn vay nước ngoài để cho doanh nghiệp vay lại thuộc phạm vi của nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần có quy trình quản lý nguồn vốn này chặt chẽ, tương tự như nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất áp dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công và Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của Chính phủ.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp cho rằng: Về bản chất, nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% vẫn là nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi và trách nhiệm cuối cùng đối với việc thanh toán các khoản vay ODA, vay ưu đãi này vẫn thuộc về Nhà nước.
“Về kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết trong đó xác định rõ nguồn vốn này không phải là vốn ngân sách nhà nước và cho phép vận dụng một số quy định liên quan đến thẩm quyền và trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp nhận thấy việc giải thích khái niệm ngân sách nhà nước và các nguồn vốn được coi là ngân sách nhà nước được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không thuộc thẩm quyền của Chính phủ”-Bộ Tư pháp bày tỏ quan điểm.
Còn Bộ Xây dựng thống nhất với nội dung kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra các căn cứ tại Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 để đề xuất vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không thuộc phạm vi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 nên không phải là vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019. Vấn đề này cần được rà soát kỹ lưỡng về mặt pháp lý vì các quy định đã trích dẫn mới chỉ nêu nguyên tắc mà chưa chỉ rõ nguồn vốn cũng như mục đích sử dụng.
Từ những ý kiến trên, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Chính phủ kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết giải thích khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 có bao gồm vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% hay không để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019.
Thẩm tra nội dung trên, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận thấy: Khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công năm 2019 quy định “Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật”. Trong đó, đối với khái niệm vốn NSNN: theo quy định tại Điều 5 Luật NSNN 2015, phạm vi NSNN bao gồm: Thu ngân sách nhà nước, Chi ngân sách nhà nước; Bội chi ngân sách nhà nước; Tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN. Đồng thời, Điểm b Khoản 4 Điều 7 Luật NSNN quy định bội chi NSTW được bù đắp từ nguồn vay nước ngoài từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành TPCP ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.
Tờ trình của Chính phủ nêu ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng đều cho rằng các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là vốn đầu tư công. Như vậy, nhận thức pháp luật của các Bộ đã thống nhất. Từ những quy định của pháp luật hiện hành nêu trên, các khoản “vay về cho vay lại” không thuộc phạm vi của “Ngân sách nhà nước” theo Luật NSNN năm 2015 và không phải là “vốn đầu tư công” theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, quy định về nội dung trên theo các luật hiện hành là rõ ràng. Theo Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ không có cách hiểu khác nhau về quy định trên mà vướng mắc là do hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư với các dự án sử dụng “vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tại trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%” chưa cụ thể. Vì vậy, không cần thiết phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công.
“Do quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng. Theo đó các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là vốn đầu tư công nên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên. Đối với việc quản lý các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%, Chính phủ cần rà soát các quy định của Luật Quản lý nợ công và các Luật liên quan để thực hiện”-ông Hải bày tỏ quan điểm.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích là đúng quy định. Tuy nhiên khái niệm vốn đầu tư công được nói rõ trong Luật đầu tư công. Vốn ODA được Chính phủ vay về cho doanh nghiệp vay lại. Qua đối chiếu với Luật Ngân sách Nhà nước thì vốn đầu tư công không bao gồm khoản vay của Chính phủ về cho doanh nghiệp vay lại. Cho nên vay ODA không thuộc phạm vi vốn đầu tư công, do đó không cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, luật đã quy định rõ. Bây giờ không cần giải thích thêm nữa. Đây không phải là “đầu tư công”, nếu giải thích là không phù hợp. Do đó về quản lý vẫn phải theo Luật Quản lý nợ công.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, do quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng vì vậy không cần thiết phải ban hành Nghị quyết giải thích lại khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công. Theo đó Chính phủ cần rà soát lại các văn bản lên quan đến quản lý nợ công và đầu tư công để tổ chức thực hiện cho tốt.