Không gian cồng chiêng giữa lòng Thủ đô

Mai Thị Mỹ Hạnh 31/03/2016 10:10

Lâu nay việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được nhắc tới nhiều, ít người biết rằng ngay tại Hà Nội có một không gian cồng chiêng độc đáo của người Mường tại huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, hiện  không gian văn hóa này đang bị mai một, số nghệ nhân biết đánh chiêng đúng giai điệu đang thưa vắng dần. 

Truyền dạy, gìn giữ chiêng Mường tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Không còn là vật gia bảo

Không gian văn hóa cồng chiêng Mường tập trung tại 3 xã của huyện Thạch Thất gồm: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân – nơi có tới trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn giản là nhạc cụ mà còn trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.

Nếu như trước đây, hầu hết các gia đình người Mường có cồng chiêng. Cồng chiêng được gìn giữ và trở thành vật gia bảo truyền đời. Nhưng khi cuộc sống khó khăn, phần lớn số cồng chiêng quý giá đó đã trở thành vật mua bán, đổi chác với giá rẻ. Có những chiếc chiêng quý bị đập vụn bán cho đồng nát...

Trong ký ức còn đọng lại, ông Nguyễn Tiến Buông, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Trung tự hào kể với chúng tôi về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường gắn liền với tiếng cồng, tiếng chiêng Mường. Ông bảo xưa kia hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng trong nhà. Ít thì một chiếc, nhiều thì một bộ từ 12 - 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

Cách chơi cồng của người dân tộc Mường cũng có nhiều điểm khác biệt so với chơi cồng Tây Nguyên. Trong đêm giao thừa, những người có uy tín trong bản vận trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là “phường bùa”.

Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi. Nếu như trước đây, nhà nhà đều có chiêng thì nay cả xã mới giữ được một bộ. Thậm chí, có xã còn không giữ được, mà phải nhờ đến chính quyền hỗ trợ. Theo ông Buông, giờ đây số người biết đánh chiêng giai điệu rất ít, chủ yếu là ở lứa tuổi trung niên, người già. Một số bản nhạc chiêng cổ cũng bị mai một, bị lãng quên hoặc phát triển làm biến dạng âm nhạc đặc sắc quý giá của dân tộc. Nhiều nghệ nhân già qua đời mang theo cả kho tàng di sản văn hóa cồng chiêng mà khó phục hồi được...

Trước thực trạng đó, sau khi sáp nhập 3 xã (Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân) từ Hòa Bình về Hà Nội, thành phố và ngành văn hóa Thủ đô đã quan tâm khôi phục và xác định: Việc bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Mường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con đại đa số là đồng bào dân tộc Mường, năm 2009 huyện Thạch Thất đã đầu tư cho ba xã vùng cao của huyện, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng vào dịp Tết và lễ hội. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá nhỏ để bảo tồn, bởi hơn hết những nỗ lực đó cần xuất phát từ nhiều phía, trên nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là việc mua sắm, làm mới cồng chiêng.

Trông cậy vào nghệ nhân

Gắn bó với chiếc chiêng Mường từ nhỏ, nay đã bước sang tuổi lục tuần, bà Bùi Thị Bích Thìn (Đồng Dâu, Tiến Xuân, Thạch Thất) là người duy nhất còn giữ được bộ chiêng 12 chiếc của đồng bào dân tộc Mường ở Thạch Thất (Hà Nội). Chính nữ nghệ nhân này cũng đang góp công truyền dạy lại những bài ca Mường và cách tấu cồng chiêng cho các đội cồng chiêng của địa phương.

Nói về công tác bảo tồn nét văn hóa cồng chiêng người Mường, bà chia sẻ, đó không phải là việc dễ. Bởi, cả người sản xuất chiêng, chơi chiêng hiện nay hiểu biết rất ít về chiêng. Việc huyện Thạch Thất mở lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng cho đồng bào là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thời gian học quá ngắn (10 ngày) nên các học viên mới chỉ biết sử dụng sơ bộ 7 chiêng chính, mới biểu diễn được một vài động tác, bài hát cơ bản, chứ chưa biết thẩm âm, phối âm nên chưa đủ kiến thức để dạy lại cho dân làng...

Trước thực trạng mai một không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường tại Thủ đô, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng để bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị của cồng chiêng Mường, chính quyền cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân cồng chiêng, bởi họ chính là những người lưu giữ các bài chiêng bằng trí nhớ, tập huấn cho những người trong ngành văn hóa để tổ chức điều tra, sưu tầm các bài chiêng.

Cũng theo ông Thịnh, điều đáng mừng là trong năm 2015, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã được thành phố công nhận là nghệ nhân ưu tú đầu tiên và duy nhất của huyện Thạch Thất trong lĩnh vực cồng chiêng. Đây không chỉ là niềm vui với cá nhân, mà còn báo hiệu tin vui chung cho cả cộng đồng Mường tại địa phương.

Tuy nhiên, so với di sản văn hóa cồng chiêng đồ sộ, những việc làm này cần phải được đẩy mạnh hơn, cần có nhiều nghệ nhân được công nhận hơn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, già làng, trưởng bản để khảo sát, kiểm kê lại số xã có cồng chiêng và số nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng, có chính sách cụ thể để giúp đỡ gia đình những nghệ nhân “giữ lửa’.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gian cồng chiêng giữa lòng Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO