Cuộc tranh luận gay gắt về môn Sử bùng phát sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới, trong đó dự kiến tích hợp môn Sử với các môn lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng…, nhằm giảm tải cho học sinh. Trên thực tế cuộc tranh luận này đã tạm lắng khi kết thúc kỳ họp, Quốc hội đã có nghị quyết tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình - sách giáo khoa mới.
Một động thái tích cực nữa là ngày 7/12, sau cuộc họp của Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bộ GD&ĐT bước đầu thống nhất sẽ bỏ cách làm tích hợp.
Theo đó, Lịch sử sẽ là môn bắt buộc trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông. Bậc Tiểu học vẫn tích hợp vào các môn khác như dự thảo. Ở THCS hoặc vẫn là môn độc lập hoặc xây dựng thành môn Lịch sử và Địa lý (thay vì môn khoa học xã hội như dự thảo). Ở bậc THPT, lịch sử vẫn là nội dung bắt buộc nhưng sẽ không tích hợp vào môn học Công dân với Tổ quốc.
Cách giải quyết hợp lý của Bộ GD&ĐT dường như đã khiến những người lo lắng cho số phận môn Lịch sử an tâm hơn. Song vấn đề mà dư luận băn khoăn sau những ồn ào vừa qua là việc dạy và học môn Sử trong trường phổ thông sẽ chuyển biến thế nào để Lịch sử thật sự là một môn khoa học. Và quan trọng hơn cả là học sinh cảm thấy hứng thú với môn học này, hay đơn giản là không chối bỏ nó như thời gian vừa qua.
Chắc dư luận, đặc biệt là các nhà giáo, nhà sử học chưa nguôi đau xót khi đầu tháng 4/2013, học sinh một trường THPT ở quận 11, TP HCM tập trung hò hét và đồng loạt xé giấy, xé đề cương môn Lịch sử, thả xuống sân trường khi biết môn Lịch sử không nằm trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT.
Rồi tại kỳ thi THPT quốc gia tháng 7 vừa qua, tại điểm thi THPT Yên Thành II do Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi dự thi môn Lịch sử. Tại sao vậy? Hành động nông nổi xé đề cương của học sinh rất đáng trách, có thể nghiêm khắc nhắc nhở nhưng việc không lựa chọn môn Lịch sử thì không ai, không thầy cô nào có thể bắt ép. Xin thưa đây mới là điều dư luận thật sự quan tâm, lo lắng chứ chưa hẳn là độc lập hay tích hợp.
Nhiều học sinh từng chia sẻ: Những ai đã và từng là học sinh cấp ba đều hiểu được cái cảm giác giải thoát khỏi những tiết Lịch sử khô khan, buồn chán suốt chín tháng. Ghét môn Lịch sử không dính líu tới ghét lịch sử nước nhà. Ghét môn đó tức là ghét cách dạy, cách truyền tải và cách kiểm tra quá ư là nhàm chán.
Đúng vậy, bản thân lịch sử Việt Nam không chán, học sinh không yêu môn Lịch sử không có nghĩa là họ không yêu lịch sử của đất nước. Điều mà những người làm giáo dục cần quan tâm chính là cách khơi dậy niềm yêu thích về một môn học hay, giúp hiểu về quá khứ, từ đó biết vận dụng các bài học, cách sống cho hiện tại và tương lai chứ không phải là tích hợp hay độc lập. Song nếu vẫn cứ giữ mãi cách dạy - học như bao năm qua thì chẳng mong tương lai nào cho môn Lịch sử.