Không hẳn vua sáng nhưng chả phải hôn quân?

Xuân Ba 06/11/2019 19:02

Đang chạy ngon trớn, cái xe bỗng giở chứng khùng khục rồi lịm hẳn. Nơi tôi và mấy anh em phải xuống để đợi chú tài nhờ người chữa xe là Bình Lâm của huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Quê ngoại của nhà thơ Nguyễn Duy ở Bình Lâm đây. Tôi níu váy bà đi chợ Bình Lâm/ Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi.

Không hẳn vua sáng nhưng chả phải hôn quân?

Trên xe có nhà nghiên cứu Phạm Tấn nổi danh xứ Thanh về dư địa chí. Trong lúc đợi xe, ông nhiệt tình rủ mấy anh em ghé qua di tích núi Chiếu Bạch ngay Bình Lâm, một trong những danh thắng của huyện Hà Trung. Nơi đó có ngôi đền thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Và đặc biệt có hai tấm bia đá đề thơ của hai vị vua Lê. Theo nhà sử học Phạm Tấn, hơn 500 năm trước, dòng sông Lèn chảy sát chân núi Chiếu Bạch tạo nên cảnh non xanh nước biếc đầy thi vị. Rồi những vật đổi sao dời, biến thiên trời đất, khúc sông Lèn đã bị phù sa bồi đắp nên cái làng Bình Lâm đây.

Thoai thoải một đoạn ngắn lên đồi cây cối rậm rạp, sừng sững hiện ra tấm bia khắc bài thơ của vua Lê Hiến Tông. Năm Tân Dậu (1501) vua Lê Hiến Tông đi bái yết sơn lăng, ngày 3 tháng 3 có thơ khắc trên bia này. Tấm bia bên cạnh dài 1,25 mét, rộng 1 mét, dày 0,17 mét. Có 24 hàng chữ Hán cũng được khắc chìm vào mặt đá cùng ngoảnh về một hướng với tấm bia thứ nhất. Tác giả là vua Lê Tương Dực.

Lê Tương Dực? Bao nhiêu là giấy mực của hậu thế cùng những xú danh về vị vua này, sao trước tác lại được đặt cạnh một vị vua anh minh, khoan hậu như Lê Hiến Tông?

Trên hai văn bia, nhiều chữ đã mất, mờ nhòe, nhà nghiên cứu Phạm Tấn chỉ nói lại cho chúng tôi vài ý, sau này may mắn được nhà nghiên cứu Hương Nao xứ Thanh giúp đỡ, chúng tôi đã có cả bản rập chữ Hán cùng ngữ nghĩa của hai tấm bia này.

Do khuôn khổ bài báo, xin mạn phép không biên lại nguyên tác, chỉ phần dịch bài thơ Thượng dương động chủ đề thơ của vua Lê Hiến Tông:

Vua đi muôn dặm về quê hương
Sông đẹp thuyền rồng biếc sóng vươn
Gió lặng, mây nhàn, hoa muốn nói
Triều êm, trời rộng, én mây vờn
Tùng xanh vi vút reo vui núi
Nước chảy đàn ngân, câu-lưới buông
Đạo báo, núi thiêng thuần tháp báu
Đẹp như mưa thắm khắp nguồn ơn.

Không hẳn vua sáng nhưng chả phải hôn quân? - 1

Bài thơ của vua Lê Tương Dực. (thủ bút của Xuân Ba).

Và thơ của vua Lê Tương Dực, chỉ phiên âm hai khổ của bài thơ, cũng xin chép ra đây để bạn đọc thưởng lãm.

I. Hạo đãng triều đầu thủy tiếp thiên,
Nguy nga lão thạch trám thanh xuyên.
Y hy cổ thụ dung trang thượng,
Mạn lạn tiên hoa sắc xuyết tiền.
Hoãn bộ thượng dương thi tứ nhã,
Thanh ngâm khoái lạc đạo tâm huyền.
Động trung dung đắc xuân quang tại,
Trang quan hùng tư vĩnh viễn niên.
II. Xuân quang đài đả lộng tình thiên,
Cô thạch toàn ngoan chẩm cự xuyên.
Quỳnh quốc vi mang khoan vọng ngoại,
Ngọc hồ yểu điệu nhập ngâm tiền.
Sơn hàm la ỷ thi hoài duyệt,
Động cách trần ai ( còn 3 chữ bị mất)
Thế sự tiêu dao vô hạn hứng,
Tuyền phương tẩy nhĩ bất tri niên.

Bảo Thiên động chủ đề. Hồng Thuận lục niên nhị nguyệt sơ thất nhật.

Dịch nghĩa lời tựa và bài thơ đề ở núi Chiếu Bạch:

Ngày 7 tháng 2 trọng xuân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), sáng sớm từ Phi Lai ra vừa qua núi Chiếu Bạch, nhìn thấy non xanh soi xuống dòng sông biếc. Cỏ xanh xuân sắc, cảnh đẹp thanh kỳ, hồn thơ vui vẻ, liền bước lên bờ, nhã hứng bồi hồi. Nơi trân châu cảnh thắng, đạo tâm đẹp đẽ, trang sức thêm cho bầu trời như gấm lụa. Tượng vàng rực rỡ. Bầu tiên rộn ràng. Đẹp đẽ càng thêm đẹp, kỳ tú lại thêm kỳ tú. Nhân khi ngâm vịnh, giữa lúc nhàn du, liền đề thơ vào đá:

Bài I:
Thủy triều dâng (bồng bềnh)
dào dạt nước lẫn bầu trời,
Núi đá hiên ngang
nhúng vào giữa dòng sông xanh.
Dung trang của những cây cổ thụ
lung linh trên sông,
Thêm vào còn có những hoa tươi
điểm xuyết rực rỡ.
Bâng khuâng nhẹ bước
làm cho tứ thơ thêm tao nhã,
Khoan khoái với giọng ngâm trong trẻo
làm cho đạo tâm thêm huyền diệu.
Trong động chứa đầy ánh mặt trời xuân,
Mãi ngắm dáng non hùng vĩ muôn đời đẹp đẽ.

Bài II:
Ánh sáng của mùa xuân
đi chầm chậm như đùa giỡn
với bầu trời trong sáng,
Những hòn đá cô đơn của ngọn núi chon von
như gối cả vào dòng sông lớn.
Cõi thần tiên mênh mang
chiếm một vùng thoáng đãng,
Một bầu ngọc duyên dáng
làm cho tiếng thơ thêm thắm tươi.
Núi non như ngậm cả màu gấm lụa
làm cho thi tứ thêm vui vẻ,
Động xa cách cõi trần ai
[ý thơ thêm uyển chuyển].

Tiêu dao ở cõi đời thật hứng thú vô hạn, chẳng cần biết đến năm tháng của việc “Suối thơm rửa tai” (của Hứa Do và Sào Phủ ) làm gì cho mệt.

Bảo Thiên động chủ (Lê Tương Dực) đề ngày 7 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514).

Lời nhận xét trong Đại Việt sử ký toàn thư ngắn gọn về vua Lê Tương Dực: “Vua khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt. Song ham chơi mà không quyết đoán, việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy”.

Những việc làm ích lợi, đáng khen ngợi của Lê Tương Dực, nhất là giai đoạn đầu làm vua có thể kể đến như đề cao sự hiếu nghĩa, chủ động trong đối ngoại với phương Bắc và với các quốc gia ở phương Nam và phía Tây là Champa và Ai Lao. Vua rất cứng rắn trong việc giữ gìn nội trị, sai quân đánh dẹp, thậm chí có lần còn trực tiếp chỉ huy việc bình định phản loạn, khôi phục lại ổn định địa phương.

Về kinh tế, ông cho thống kê lại các hạng ruộng đất, bãi dâu, đầm ao; phân định các loại thuế và để khuyến khích việc nông tang, có lần Lê Tương Dực còn tự mình cày ruộng tịch điền vào mùa xuân tháng 2 năm Giáp Tuất (1514).

Về xây dựng kiến trúc, sử sách chê rằng Lê Tương Dực làm quá nhiều việc thổ mộc? Nhưng thử xét lại, những công trình ấy đều là những công trình quy mô đẹp đẽ thể hiện tài năng của người thợ nước Việt. Năm Tân Mùi (1511) vua cho dựng điện Thiên Quang, đến năm Nhâm Thân (1512) lại xây dựng công trình gọi là điện lớn với cả trăm nóc theo thiết kế của Vũ Như Tô, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “ Vũ Như Tô một người thợ ở Cẩm Giàng, xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm Cửu trùng đài”.

Trong việc trị quốc, điều hành chính sự, ngạc nhiên chỉ trong mấy năm ngắn ngủi ở ngôi vị hoàng đế, vua Lê Tương Dực đã cho thi hành 14 điều trị bình. Lại cho chỉnh đốn lại hệ thống quan chức. Đến ngày 27-4 năm Tân Mùi (1511), ông ban Trị bình bảo phạm, gồm 50 điều khuyên răn, nhắc nhở từ quan lại đến dân chúng phải biết giữ lòng trung lương, làm những điều có ích cho xã hội, giữ lẽ công bằng, làm tốt trách nhiệm. Ông cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, thi cử; trong thời gian làm vua đã mở được 2 khoa thi Hội lấy đỗ 90 tiến sĩ, lại cho sửa chữa, trùng tu Quốc Tử Giám; cho dựng bia Tiến sĩ…

Về văn hóa lịch sử nước nhà, Lê Tương Dực sai bề tôi biên soạn sách sử là bộ Đại Việt thông giám thông khảo gồm 26 quyển hoàn thành tháng 4 năm Tân Mùi (1511). Phàm những việc tầm cỡ ấy nếu không phải có tài thì khó mà đương và quản nổi? Lại bâng khuâng cái nỗi, ông vua họ Lê ấy từ năm1509 đến năm1516, mới chỉ 7 năm ở ngôi! Bài thơ Đề Chiếu bạch… hiện còn lưu lại trên bia vừa dẫn trên là năm Hồng Thuận thứ sáu (1514), dịp nhà vua kinh lý về đất tổ đã cảm tác đề thơ.

Viết đến đây nghĩ mình chả phải là trong số những người làm cái việc chiêu tuyết cho vua Lê Tương Dực (!). Cái quan đã định luận lẩu lâu rồi. Lê Tương Dực chết cách nay đã hơn 500 năm. Thế mà chừng như việc đánh giá dường như vẫn có gì chùng chình chưa dứt khoát? Nói Lê Tương Dực là hôn quân thì chưa hẳn! Mà là ông vua sáng thì cũng chả phải? Vâng có lẽ cũng nên xếp vào hệ quy chiếu rằng: dẫu là vua thì cũng nên nằm trong lãnh địa cùng tầm ngắm của sự bình xét nhân vô thập toàn vậy? Với lại, chợt nhớ đến những riết róng của Chế Lan Viên khi bình về không ít các vị hoàng đế nước Nam ta ở dạng bình bình làng nhàng thế này:

Có làm vua cũng làm vua xứ quèn/ mũ triều thần lẫn cùng rổ rá/ Áo long bào lắm khi phải vá/ Suốt đời lo miếng ăn cho dân tộc không xong/ Không phải là thứ vua trong Lục viện Tam cung/ Có sẵn ba ngàn em trong vườn lê múa hát/ Cho nên ở nước mình có chửi vua thì cũng chửi cho có chừng có mực.

Tôi chẳng dám góp vào cái sự chửi hay riết róng này khác mà chỉ buồn buồn chút. Buồn không phải hổ phụ chẳng sinh hổ tử. Hoặc chẳng ai giầu ba họ không ai khó ba đời… Người cháu nội Lê Tương Dực vua Lê Thánh Tông vốn thông tuệ những năm đầu làm vua anh minh là thế mà chỉ có mấy năm ở ngôi đã tự diễn biến và… chuyển hóa đến mức thảm hại!

Nhưng chả thể không có cảm giác đôi hồi lẫn bâng khuâng khi thưởng lãm bài thơ trên đá hơn 500 năm trước của hoàng đế kiêm thi sĩ Lê Tương Dực?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không hẳn vua sáng nhưng chả phải hôn quân?