Từ câu chuyện trà, kem và chanh tại căng-tin trường Đại học Princeton (Hoa Kỳ), tác giả Feyman đã có cảm hứng viết cuốn tự truyện tựa tiếng Việt là “Chuyện thật như đùa”. Cuốn truyện đã nhận được nhiều yêu thích từ các bạn đọc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng mới đây (13/7) một “chuyện thật như đùa” được cơ quan chức năng công bố liên quan đến việc kê khai tài sản nhằm góp phần chống tham nhũng.
Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 30-5 đã có 85 cơ quan, bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả minh bạch tài sản, thu nhập. Trong đó số người đã kê khai tài sản, thu nhập có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Đến nay chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.
Công bố của một cơ quan nhà nước phát ra phải rất đáng tin cậy. Trước đó đúng một ngày, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã đưa ra những con số: Qua 10 năm tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, mới xác minh được trên 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý 17 người kê khai tài sản không trung thực. Về nộp lại quà tặng quy định của pháp luật còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi. Đến nay có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Vậy là trong 10 năm chỉ phát hiện xử lý 17 người kê khai tài sản không trung thực. 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng nhưng chỉ có 10 trường hợp vi phạm. Những con số trên khiến nhiều người nhớ lại hồi năm ngoái cơ quan chức năng đưa ra công bố Hà Nội và TP HCM không có ai tham nhũng, trong khi tham nhũng được nhận định là vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và theo cơ quan chức năng 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Cũng cần nói thêm, số tiền đã thu hồi cho Nhà nước quá ít, chỉ hơn 4.676 tỷ đồng và trên 219 ha đất.
Không phải ngẫu nhiên khi nghe những số liệu báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhắc đến một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong đó có những người được giao những chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc.
“Tình hình tham nhũng thông qua lợi dụng cơ chế chính sách, tình trạng lợi ích nhóm đang diễn ra kìm hãm sự phát triển của đất nước ta. Có người lợi dụng những dịp lễ Tết để quà cáp, biếu xén cho lãnh đạo, cấp trên hòng mua chuộc”- Phó Thủ tướng nói đồng thời cũng đưa ra tối hậu thư rằng “những việc này cần ngăn chặn ngay”.
Năm 2013 có 364 vụ nộp lại quà tặng trị giá 164 triệu đồng. Năm 2014 có 32 trường hợp nộp lại quà trị giá 719 triệu đồng. Tết 2015 không có vụ nào trong khi đường dây nóng của Cục PCTN nhận được 65 cuộc gọi tố cáo có dấu hiệu tham nhũng trong dịp Tết Nguyên đán.
Còn Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 không đề cập đến “nộp lại quà tặng”. Có lẽ vì thế mà Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nói tại Hội nghị tổng kết 10 năm Luật PCTN là “quy định trên còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi”.
Xưa nay tặng quà là việc bình thường, xuất phát từ tình cảm của những mối quan hệ thân thiết và mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, nhưng “của cho không bằng cách cho”, mục đích của việc “cho”. Chính vì thế Chính phủ đã phải ra Nghị định quy định về việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà, cho thấy ý nghĩa của tặng quà đã không còn là bình thường. Việc “có người lợi dụng những dịp lễ Tết để quà cáp, biếu xén cho lãnh đạo, cấp trên hòng mua chuộc” được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến là việc không hề đơn giản khi những gói quà tặng dần biến tướng thành một dạng hối lộ tinh vi…
Luật không thiếu nhưng tại sao việc thực hiện lại khó khăn? Nguyên nhân chính là kỷ cương không nghiêm. Khó có thể trông chờ vào sự tự giác “nộp lại quà” khi một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất về tư tưởng đạo đức, lối sống chưa được đưa ra khỏi bộ máy. Vì thế việc ngăn chặn hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, hay kê khai tài sản là cần thiết. Nhưng, chính như Thanh tra Chính phủ - cơ quan PCTN nhận thấy rằng các biện pháp như kê khai tài sản hay nộp lại quà tặng đang là hình thức, vậy có nên duy trì những biện pháp không phù hợp này nữa không?
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nhìn nhận rằng, vấn đề kê khai tài sản của ta mang tính hình thức, đại trà, kể cả những người cán bộ công chức làm công ăn lương không có khoản thu nhập có giá trị, thậm chí lương không đủ ăn cũng phải kê khai. Như vậy là mang tính chất cào bằng. Cho nên cần nghiên cứu để sửa đổi mới có tác dụng.
Có lẽ vì thế mà trong một khảo sát, có đến 87,3% người dân được hỏi đề nghị sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản, thu nhập theo hướng “thà ít mà tốt”, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản vừa được Viện Chính sách công và Pháp luật khuyến cáo tại hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN qua một số lĩnh vực”.