Phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc 2017, ngày 10/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi tin chắc rằng, bên cạnh 400 điển hình tiên tiến về dự Lễ tôn vinh tại Hội nghị này, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác trên nhiều lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng các đại biểu được tuyên dương. (Ảnh: VGP).
69 năm trước, giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Để triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.
Người nhấn mạnh: bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Theo lời kêu gọi của Người, suốt 69 năm qua, dù trong hoàn cảnh khó khăn ác liệt của chiến tranh, hay cuộc chiến không tiếng súng thời bình, phong trào thi đua được giữ vững và phát huy trên mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp. Cũng chính từ những phong trào thi đua thiết thực đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu, được xã hội thừa nhận, trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Trong phát biểu của mình tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, “Điều cần phân tích sâu hơn là, đằng sau những gương điển hình tiên tiến, đằng sau những việc làm tốt là những tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái với đồng bào, đồng chí và đồng đội; là quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước; là ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao”. Những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương là những tấm gương sáng, là hạt nhân nòng cốt để góp phần làm cho phong trào thi đua “ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn”.
Tổng Bí thư nói: “Chúng ta thật sự xúc động và biết ơn những tấm gương sáng đã hết lòng vì cộng đồng, quan tâm đến những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn. Chúng ta vui mừng khi nghe thành tích dạy và học của các thày giáo, cô giáo và các em học sinh; những gương của cán bộ, đảng viên, của các công chức, viên chức, trí thức, công nhân, nông dân, doanh nhân, của cựu chiến binh, lực lượng vũ trang... đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo, dám hy sinh, góp phần công sức của mình vì sự giàu mạnh, bình yên của quê hương, đất nước”.
Vui mừng trước những tấm gương sáng được tôn vinh, cũng cần nhìn nhận thêm về tính hình thức trong công tác thi đua vẫn tồn tại ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác. Nhìn nhận để loại bỏ. Những biểu hiện ấy đã làm hại phong trào, đôi khi còn làm cho uy tín của những tập thể, cá nhân được tôn vinh không trọn vẹn, dẫn đến việc không ít người ngờ vực về những tấm gương ấy. Đó là lỗi của những người, những nơi phát động thi đua theo kiểu đánh trống bỏ dùi, làm chiếu lệ, có khi còn lợi dụng chuyện này cho mục đích khác.
Chưa ai quên trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Dù là người phải chịu trách nhiệm trước những tổn thất ngân sách rất lớn tại đơn vị mình đứng đầu, nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn cứ được khen thưởng dưới nhiều hình thức, mức độ. Những tấm bằng khen, giấy khen ấy phần nào đã giúp một kẻ thoái hóa, biến chất thăng tiến. Khi sự việc vỡ lở, một số cá nhân, đơn vị từng xác nhận hoặc cấp giấy khen cho Trịnh Xuân Thanh đã bị xử lý. Đó là bài học đắt giá rất cần phải được nhìn nhận thấu đáo, phân tích kĩ càng, để không thể phung phí danh hiệu thi đua cho những người không xứng đáng.
Từ đó dẫn đến việc bình chọn, tôn vinh những đơn vị, cá nhân tiên tiến xuất sắc phải hết sức khách quan, công tâm, thực chất. Không thể bầu cho có, cho xong, mà phải xác định đó là việc làm cẩn trọng vì có thể sẽ dẫn đến hậu quả xấu khi bầu chọn sai. Thực tế cho thấy, trong bình xét thi đua, vẫn còn sự nể nang, né tránh, những danh hiệu bầu chọn hàng năm thường rơi vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đơn vị. Đành rằng vai trò của lãnh đạo đơn vị là rất quan trọng, nhưng danh hiệu thi đua không thể là một đặc quyền đặc lợi cho bất cứ ai, mà phải là phần thưởng dành cho những người làm tốt nhất, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong phần công việc được giao, bất kể công việc đó “quan trọng hay không quan trọng” trong bộ máy.
Để phong trào thi đua không bị biến thành hình thức đòi hỏi sự quan tâm thích đáng của người đứng đầu đơn vị, của tập thể lãnh đạo đơn vị. Từ sự quan tâm ấy cần thiết phải dẫn đến sự công tâm, phải nhìn nhận, đánh giá khách quan đối với từng thành viên trong đơn vị. Nếu không, cũng sẽ chỉ là hình thức, danh hiệu thi đua chẳng những không phát huy tác dụng mà còn ngược lại. Bất cứ một phong trào thi đua nào cũng có tiêu chí cụ thể, có tiêu chuẩn cụ thể để, nếu làm đúng sẽ cho ra kết quả đúng, có tác dụng lan tỏa. Nhưng không ít nơi người ta đã không thực sự bám vào những tiêu chí, tiêu chuẩn ấy, mà chỉ “phiên phiến” cho xong chuyện. Chính vì thế, những cá nhân được bình chọn không phát huy được tác dụng lan tỏa, ngược lại trong không ít trường hợp còn gây ra sự mất đoàn kết nội bộ, ấm ức bởi tư tưởng không thông. Người tốt, người có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, với sự phát triển của đơn vị không được nhìn nhận, thay vào đó lại là những cá nhân “nhàng nhàng” trước sau gì cũng sẽ phát sinh tâm lý tiêu cực, bất mãn, thậm chí ngấm ngầm chống đối.
69 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, càng thấy rõ thi đua là hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Thi đua làm tốt để xã hội cùng tốt. Chính vì thế lại càng cần tránh bệnh hình thức, qua loa, lợi dụng chủ thi đua để trục lợi cá nhân hoặc là ban phát cho những người cùng phe cánh.
Có như vậy, thi đua mới trở thành động lực để từng người, từng đơn vị phấn đấu. Từ đó những tập thể, cá nhân được tôn vinh một cách xứng đáng sẽ là hạt nhân lan tỏa những điều tốt đẹp vào cuộc sống. Nói như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thì cần phải làm cho phong trào thi đua đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn.