Hệ thống bảo tàng Việt Nam đông đảo, trải dài khắp các vùng miền đất nước. Tuy nhiên, công tác liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng để phát huy sức mạnh, tăng cường quảng bá thu hút khách lâu nay vẫn đang ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”- đó là những nhận định được đưa ra tại hội nghị bàn giải pháp tăng cường phối hợp truyền thông, quảng bá tại các bảo tàng, di tích vừa diễn tại Hà Nội.
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Ảnh: Hương Lê).
Chưa thực sự là điểm đến
Gần 20 đơn vị bảo tàng khu di tích, ban quản lý các khu văn hóa, danh thắng đã tham gia hoạt động này. Chỉ ra thực trạng lỏng lẻo trong liên kết hoạt động bảo tàng hiện nay, TS Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh, các bảo tàng cần liên kết lại nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá, phát huy giá trị các di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng, các hoạt động của bảo tàng, di tích để thu hút khách tham quan, nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của các bảo tàng, di tích.
Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng cho rằng: bảo tàng, di tích là những nguồn tài nguyên du lịch quý giá của đất nước.
Song đa số các bảo tàng Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, điểm đến hấp dẫn du khách.
Lượng khách đến thăm bảo tàng đông đúc chỉ có được ở một số bảo tàng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP HCM, Bảo tàng Chàm (Đà Nẵng)...
Nhưng hiện cũng còn rất nhiều bảo tàng chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan.
Hầu hết các bảo tàng chưa gắn kết với các chương trình du lịch và chưa thu được tiền từ hoạt động tham quan của du khách. Đây là sự lãng phí tài nguyên du lịch bởi sự kết nối giữa du lịch và di sản văn hóa là nhu cầu mang tính tự thân...
Sớm thoát khỏi tư duy bao cấp
Tại Hội nghị vừa rồi, đại diện các bảo tàng tham dự đều thống nhất sẽ phối hợp làm truyền thông, quảng bá để thu hút khách trong giai đoạn 2016-2020.
Các phân tích cho thấy việc liên kết phối hợp để quảng bá, thu hút khách tham quan sẽ mang lại nhiều hiệu quả thay vì chỉ truyền thông, quảng bá đơn lẻ như hiện nay.
Nhưng cũng vẫn còn đó những băn khoăn về tư duy bao cấp đã tồn tại quá lâu ở các bảo tàng công lập. Bởi với số lượng 147 bảo tàng lớn nhỏ trên toàn quốc, hệ thống bảo tàng của Việt Nam lẽ ra phải là một điểm mạnh để thu hút công chúng cũng như khách quốc tế.
Nhưng tình trạng đầu tư nhiều, hiệu quả ít đang diễn ra ở hầu hết các bảo tàng. Thực tế buồn này từng được Bộ VHTT&DL “mổ xẻ” nhiều lần.
Nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh từng chỉ rõ hạn chế lớn nhất của việc đầu tư cho bảo tàng hiện nay là hình thức chưa tương xứng với nội dung của các bảo tàng.
“Chúng ta đầu tư phần hình thức một, nhưng nội dung mới chỉ dừng lại từ 0,3 đến 0,5%. Bên cạnh đó chúng ta chưa mạnh dạn thể hiện nội dung trưng bày. Mỗi năm Bộ đầu tư cho những bảo tàng trọng điểm từ 4 - 5 tỷ đồng. Nhưng việc liên kết với giáo dục, du lịch chưa được chặt chẽ để hút khách tham quan...”, ông Hoàng Tuấn Anh bức xúc.
Trước sự đầu tư bảo tàng theo kiểu dải mành mành, TS Nguyễn Văn Huy- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Dù là những bảo tàng lớn, xây dựng công phu, tốn kém, nhưng khi đầu tư không tính đến hiệu quả, làm chỉ để theo phong trào, chạy đua thành tích nên mới trở nên lãng phí như hiện nay.
Hoàn thành công trình về mặt kiến trúc, nhưng quan trọng là bảo tàng phải biết cách “thổi hồn” vào để nó “sống”. Nhiều bảo tàng còn trình bày các hiện vật quá đơn giản, thậm chí thiếu cả những lời giới thiệu về các hiện vật ở trong đó. Điều này do tư duy của người làm bảo tàng chưa chịu tiếp thu, học hỏi, đổi mới cách làm cho hiệu quả hơn.
Nhìn rộng hơn một chút, song hành cùng với hệ thống bảo tàng công lập, hệ thống bảo tàng tư nhân trong một vài năm trở lại đây cũng phát triển đa dạng, phong phú.
Một trong những giải pháp đã được chỉ ra để góp phần nâng cao chất lượng của các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam là đẩy mạnh sự kết nối giữa bảo tàng công lập với bảo tàng tư nhân; đưa bảo tàng trở thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch. Điều này đã được bàn thảo nhiều, chỉ tiếc rằng cho đến nay rất ít bảo tàng làm được.