Không lo khan hàng, sốt giá trong bão dịch

Minh Phương 07/07/2021 06:45

Bộ Công thương cho biết, thời điểm này, dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành khá phức tạp, song người dân hoàn toàn yên tâm về hàng hóa, lương thực thực phẩm phục vụ đời sống dân sinh. Hiện, tại các hệ thống phân phối, hàng hóa thiết yếu được cung ứng tăng 150-500% so với bình thường, nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, không lo sốt giá.

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Các hộ kinh doanh phải đóng cửa vì dịch, số doanh nghiệp (DN) phải tạm ngưng hoạt động gia tăng.

Tuy nhiên, khác với thời điểm trước, khi có dịch bệnh xâm nhập, người dân đổ xô đi mua đồ thực phẩm về để dự trữ, dẫn đến tình trạng khan hàng, sốt giá. Thời điểm này, thị trường hàng hóa, thực phẩm thiết yếu vẫn rất bình ổn, hoàn toàn không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua trữ thực phẩm như trước đây.

Nhận định về vấn đề này, đại diện vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã thành lập bộ phận thường trực gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước và đại diện Phòng Quản lý Thương mại của 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ DN đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ nông sản cho địa phương.

Tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Để hỗ trợ các địa phương trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Công thương đã chỉ đạo, phối hợp với các DN phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; tiếp tục tiếp nhận thông tin và phối hợp với các địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương, DN… trong việc vận chuyển lưu thông hàng hoá (đặc biệt là nông sản) tại các địa bàn bị phong toả và có dịch; thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình cung cầu - lưu thông hàng hóa, tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Bộ cũng đã đề nghị các DN phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các DN phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bộ cũng đề nghị các DN phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các DN phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống các siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Khảo sát tại các hệ thống phân phối lớn như chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Hapro Mart, Intimex, Big C; Go!, Bách Hóa Xanh… công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng mạnh, từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân khi có dịch.

Theo đại diện các chuỗi siêu thị, đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ 2 lần trở lên so với năm trước.

Chính bởi vậy, dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, song nguồn cung hàng hóa tại các địa phương đều cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ nông sản như giai đoạn trước.

Bộ Công thương cho biết, Bộ cũng đề nghị ngành y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục xét nghiệm; tạo điều kiện cho đội ngũ lái xe và người áp tải hàng được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Ngành giao thông vận tải nghiên cứu hướng dẫn để thực hiện việc phương tiện vận chuyển hàng hóa khi có đầy đủ giấy xác nhận phòng, chống dịch theo quy định được ưu tiên “luồng xanh” để lưu thông trong thời gian ngắn nhất.

Phối hợp các địa phương chủ động phương án xây dựng các điểm, trạm dừng nghỉ do quân đội quản lý bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện. Ngành nông nghiệp cần chỉ đạo, điều tiết sản xuất nông nghiệp theo đúng nhu cầu của thị trường để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông sản.

Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và hướng dẫn việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại các vùng có dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lo khan hàng, sốt giá trong bão dịch