Không lơ là với virus Zika

Tâm Luân 26/03/2016 10:44

Liên quan đến trường hợp du khách người Australia mắc bệnh do virus Zika sau thời gian du lịch ở Việt Nam, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng, theo thông tin của du khách về thời gian, địa điểm lưu trú ở Việt Nam thì có khả năng người này nhiễm virus Zika tại TP HCM. Bởi vì, nếu xét về mặt dịch tễ, khoảng thời gian bệnh nhân ở nước ta, cụ thể là tại TP HCM, trùng hợp với giai đoạn ủ bệnh của Zika từ 3 đến 12 ngày.

Không lơ là với virus Zika

TP HCM tăng cường kiểm soát và phát hiện virus Zika (Ảnh: S.Xanh).

Tuy nhiên, hiện tại ngành Y tế TP HCM vẫn chưa xác định được cụ thể những nơi mà du khách người Australia này đã đi đến, ở quận huyện nào tại thành phố. Do đó, trong hoàn cảnh chưa rõ đường đi của người mang mầm bệnh, TP HCM sẽ nâng mức cảnh báo lên tình huống ứng phó thứ 2. Cụ thể, có 3 tình huống ứng phó với Zika (theo Cục Y tế Dự phòng) gồm: Tình huống 1, chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Tình huống 2, ghi nhận ca bệnh rải rác tại Việt Nam. Và tình huống thứ 3, dịch lây lan trong cộng đồng. “Như vậy, với việc nâng mức cảnh báo lên tình huống 2 của ngành Y tế, xem như TP HCM đã có ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Zika”, ông Lân nói.

Đồng thời cũng không thể chủ quan, nên từ thông tin du khách người Australia có thể bị nhiễm virus Zika từ Việt Nam, ngày 25/3 Viện Pasteur TP HCM phối hợp với Sở Y tế thành phố và Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng triển khai tập huấn, thực hiện giám sát các ca nghi ngờ nhiễm virus Zika trong 2 tuần, từ ngày 28/3 đến 8/4 hoặc cho đến khi đạt chỉ tiêu cỡ mẫu. Cụ thể, trong khoảng thời gian này, Viện Pasteur TP HCM sẽ thu tuyển lấy mẫu 100% ca bệnh xâm nhập nghi ngờ nhiễm virus Zika. Theo đó, 30 bệnh viện trên địa bàn TP HCM và Bệnh viện Đa khoa I, II của tỉnh Lâm Đồng cùng thực hiện lấy mẫu hàng ngày từ 5 - 10 ca bệnh. Bất kỳ bệnh nhân nào đến khám có các biểu hiện lâm sàng tương đồng với virus Zika như sốt, phát ban trong thời điểm khởi phát 5 ngày và một trong các biểu hiện như viêm kết mạc không mủ, xung huyết kết mạc, đau cơ, đau khớp, đau đầu đều thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm. Tổng số mẫu với ca bệnh nội tại do các bệnh viện cung cấp dự kiến khoảng 1.600 mẫu. Riêng đối với bệnh nhân nghi nhiễm virus Zika có triệu chứng phát ban sẽ thực hiện thu dung 100% ca bệnh bất kể cỡ mẫu trong ngày.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với Zika tại tỉnh Bình Thuận. Riêng tại Mũi Né, Bình Thuận, ông Long yêu cầu mở rộng giám sát tại cộng đồng, đặc biệt là nơi cư trú của du khách như khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, phát hiện sớm du khách có dấu hiệu chỉ điểm của bệnh như trên để lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời đề nghị tỉnh Bình Thuận nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika lên mức độ 2.

Lý Nam

Bác sĩ Lương Chấn Quang- Phó trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP HCM) thông tin, kế hoạch giám sát lần này đặt trọng tâm vào những tỉnh, thành phố có các điểm du lịch, giao thương đi lại cao có thể dễ dàng lan truyền mầm bệnh từ người và cả kể từ muỗi. Mục tiêu của đợt giám sát nhằm phát hiện sự lưu hành của virus Zika và triển khai kịp thời biện pháp phòng chống ngăn ngừa virus Zika lây lan trong cộng đồng.

Nói về công tác phòng chống bệnh Zika bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho hay, thành phố tiếp tục giám sát cộng đồng bằng yếu tố dịch tễ với các bệnh như sốt xuất huyết, sốt phát ban, đau đầu… Đồng thời tăng cường mẫu giám sát tại cộng đồng. Để ứng phó với tình huống, TP HCM cho biết ngoài việc tiến hành kiểm tra những nơi mà du khách Australia đã đi qua tại Việt Nam để xác định đường đi của mầm bệnh, tuyên truyền cho người dân tiến hành diệt muỗi, loăng quăng. Ngành Y tế thành phố sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại những địa bàn trọng điểm có dịch sốt xuất huyết, nhất là những nơi có nhiều khách du lịch, tuên truyền vận động nhân dân tiêu diệt muỗi, vệ sinh phòng bệnh. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, bệnh này ảnh hưởng lớn đến bà mẹ mang thai, vì vậy phụ nữ đang mang thai cần phải chú ý nhiều hơn đến các triệu trứng để được can thiệp kịp thời.

Song song với công tác phát hiện, lấy mẫu, phòng - chống từ cộng đồng Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM cũng triển khai các biện pháp phòng chống giống như dịch bệnh Ebola. Hàng tháng Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố sẽ đo khảo sát mật độ muỗi tại khu vực sân bay và có kế hoạch phun xịt muỗi. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với công an cửa khẩu lấy danh sách hành khách đi từ các vùng có dịch giám sát. Trong trường hợp phát hiện có hành khách nghi ngờ bị nhiễm virus Zika sẽ có biện pháp cách ly và đưa bệnh nhân về các bệnh viện tuyến điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không lơ là với virus Zika