Vừa qua, trên một số trang mạng xã hội ở Huế đã dấy lên một thắc mắc, hay chính xác hơn là bức xúc về vấn đề tại sao nhiều bảng chỉ dẫn du lịch đến các lăng hoàng gia đều không có chữ “vua” và “chúa”. Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có những cuộc gặp gỡ với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu Huế, cũng như ở một số thư tịch cổ của triều Nguyễn.
Dưới các triều đại quân chủ Việt Nam, mỗi vị vua khi lên ngôi đều có một niên hiệu và sau khi băng hà vị vua đó có thêm miếu hiệu. Về vấn đề này, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, dưới triều Nguyễn, người ta tránh gọi miếu hiệu vì sợ phạm húy, trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì người ta phải đọc/viết trại đi, ví dụ như miếu hiệu vua Gia Long là Cao, nên để tránh phạm húy, dân gian thường gọi trại Cao thành Côi (ví dụ như trên cao đọc thành trên côi - NV); Miếu hiệu vua Minh Mạng là Nhân, nên chữ Nhân thường được đọc thành Nhơn (ví dụ như cửa Hiển Nhân đọc thành Hiển Nhơn)... còn niên hiệu thì không húy nên vẫn được sử dụng phổ biến trong dân gian. Sách vở vẫn thường dùng là” năm Gia Long thứ...”, “năm Tự Đức thứ...”.
Trong nhiều thư tịch cổ, cách gọi tên lăng các ngài (các vị vua và chúa - NV) nếu gọi chính xác thì phải gọi theo tên chữ, ví dụ: lăng Trường Thanh (tức lăng Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế - Nguyễn Phúc Chu), lăng Trường Cơ (tức lăng của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế - Nguyễn Hoàng), lăng Cơ Thánh (tức lăng của Hưng Tổ Nhân Minh Cẩn Hậu Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang Hoàng Đế hay gọi tắt là Hưng Tổ Khang Hoàng Đế - Nguyễn Phúc Luân)... Tuy nhiên, như đã đề cập trên, người Việt chúng ta vẫn gọi theo niên hiệu: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị... và vẫn không phạm húy.
Theo TS Trần Đình Hằng- Phân Viện trưởng - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế -VICAS, tên gọi các con đường hay địa điểm chỉ mang ý nghĩa định danh và truyền tải thông tin nên cần ngắn gọn và xúc tích, tất nhiên phải dựa trên những cơ sở văn hóa nhất định để không đánh mất giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Cách gọi tên như hiện nay đối với các điểm di tích ở Huế như “Lăng Gia Long”, “Lăng Minh Mạng”, “Lăng Tự Đức” hay “đường Nguyễn Hoàng”, “đường Nguyễn Huệ”, “đường Lê Lợi”... đều không mang tính chất xúc phạm tiền nhân như dư luận đã bức xúc. Vì lâu nay nó đã có tính ổn định và giá trị biểu trưng.
Theo một số nhà nghiên cứu ở Huế, cách gọi giản lược các địa danh theo niên hiệu như ở Huế nói riêng và một số tỉnh thành khác nói chung không là một ngoại lệ, và hoàn toàn không chỉ mới tồn tại trong những năm gần đây. Rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang ứng dụng cách đặt tên này không với ý nghĩa “khinh miệt văn hóa bản địa”.
Ví dụ, thay vì gọi tên chữ là “Mậu lăng…” người dân Trung Quốc vẫn thường gọi “lăng Hán Võ Đế”, “lăng Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên” đối với “Càn lăng…” (lăng hợp táng của Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên - NV), và cả lăng Tôn Trung Sơn, lăng Mao Trạch Đông…; hoặc như trường hợp ở Tây phương như “lăng Napoléon” (Tombe de Napoléon) thay vì “lăng Napoléon Đại Đế” (Tombe du roi Napoléon) ở Pháp, “đường Elizabeth” (Elizabeth Street), thay vì “đường Nữ hoàng Elizabeth” (Queen Elizabeth Street) ở thành phố Westminster tại Anh, sân bay John F. Kennedy (JFK airport) tại Đông Nam thành phố New York-Mỹ thay vì sân bay tổng thống John F. Kennedy (President JFK airport)...
Với những lý giải đã nêu trên, bài viết hy vọng cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin về văn hóa lịch sử, cũng như cách định danh về các địa điểm du lịch ở cố đô Huế.